PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Bệnh phổi kẽ cho biết: Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý rất phức tạp, mặc dù không phải là bệnh mới xuất hiện nhưng vẫn chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, một số loại bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh; thậm chí có những trường hợp tiến triển nhanh, tiên lượng xấu hơn cả ung thư.
Theo đó, về mặt dịch tễ, tỷ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao, nhưng tổng hợp chung cả nhóm bệnh phổi kẽ cũng gây ảnh hưởng lên một số lớn người bệnh.
Có 3 bệnh phổi kẽ phổ biến nhất là: Sarcoidosis, bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết và xơ phổi vô căn.
Đáng lo ngại là các ca mắc bệnh phổi kẽ thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như: Suy hô hấp, biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục…
Những người dễ mắc các bệnh phổi kẽ như: Người đã và đang mắc một trong các bệnh lý viêm khớp dạng thấp, Lupus, xơ cứng bì, trào ngược dạ dày thực quản gây viêm phổi mạn tính và xơ hóa phổi, nhiễm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi kẽ, người trên 50 tuổi, người hút thuốc lá thuốc lào... bên cạnh đó còn có căn nguyên do các yếu tố nhiễm trùng, một số bệnh nghề nghiệp do hít phải khói bụi độc hại...
Về việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh, hiện vẫn còn là thách thức lớn với ngành y tế khi các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như: Chẩn đoán hình ảnh, nội soi... chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.
Theo các bác sĩ, trong khi điều trị các bệnh phổi kẽ còn khó khăn, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh có thể thực hiện đơn giản và hiệu quả gồm: Người nghiện thuốc lá cần bỏ hút thuốc; người dân sử dụng quần áo và các phương tiện bảo hộ lao động trong các nghề nghiệp phải tiếp xúc với các chất ô nhiễm, bụi silic, sợi amiăng, bụi kim loại, khói, hoá chất, bụi hữu cơ, chăn nuôi...
Người dân nên khám và điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân và ở phổi.
Với những bệnh nhân đã trị liệu bức xạ, hóa trị liệu hoặc dùng các thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh... cần chú ý khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh phổi kẽ và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, những nơi thời tiết giá rét, người mắc bệnh phổi kẽ cần mặc ấm, đội mũ, quàng khăn giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực để hạn chế các triệu chứng bệnh dễ bị tăng nặng trong thời tiết lạnh giá.