Cảnh giác cúm gia cầm lây sang người có tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong cao

Hiện cúm gia cầm chủ yếu lây từ gia cầm sang người; tuy nhiên luôn phải cảnh giác nếu xảy ra trường hợp virus bị biến đổi, có thể dễ dàng lây từ người sang người.

Chú thích ảnh
Người dân luôn cảnh giác, phòng lây nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN

Về việc Việt Nam mới phát hiện ca nhiễm cúm A(H5) và lo ngại xảy ra dịch cúm gia cầm trên người, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Đáng chú ý ở cúm gia cầm trên người là tỷ lệ diễn biến nặng cao và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50-60%, đây là bệnh nguy hiểm với những trường hợp không may bị lây nhiễm”.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, hiện cúm gia cầm rất hạn chế lây nhiễm từ gia cầm sang người, nên chưa gây ra đợt dịch lớn; tuy nhiên vẫn cần hết sức cảnh giác với trường hợp nếu có một chủng cúm gia cầm bị biến đổi về mặt di truyền có thể lây lan dễ dàng từ người sang người; thì có nguy cơ gây ra một đại dịch mới. Vì vậy, cộng đồng phải luôn luôn cảnh giác trước dịch cúm gia cầm.

Cúm gia cầm lây nhiễm từ gia cầm và các loài chim hoang dã sang người; do vậy, để tránh lây nhiễm, người dân cần lưu ý không tiếp xúc, chế biến và ăn gia cầm ốm chết… Với các loại gia cầm nuôi như gà, vịt… bị ốm chết phải được tiêu hủy. Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm cần có những biện pháp phòng hộ như: Đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước khi ăn và tránh những sản phẩm từ gia cầm chưa được nấu chín như tiết canh ngan, vịt…

Theo Bộ Y tế, cúm A(H5) là chủng cúm độc lực cao, lây từ gia cầm sang người do virus cúm A/H5 gây ra. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Đến nay, bệnh cúm gia cầm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao.

Đặc biệt, hiện dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương; thời tiết cũng đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị, khuyến cáo người dân tăng cường các hoạt động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm.

Các đơn vị tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus; điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm; xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Các cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát dịch cúm trên gia cầm, trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Các địa phương, đơn vị thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Cúm A(H5) lây sang người nguy hiểm như thế nào?
Cúm A(H5) lây sang người nguy hiểm như thế nào?

Cúm A(H5) gây bệnh trên người diễn biến nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN