Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau dịp nghỉ Tết, nhiều người thường bị tăng cân, có thể khiến một số bệnh có cơ hội tái phát nhiều hơn. Vì vậy, việc có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý trong dịp Tết rất quan trọng để “giữ dáng” và bảo đảm sức khỏe.
Theo đó, nhu cầu năng lượng trong dịp nghỉ lễ Tết với mỗi người giảm hơn do đây là thời gian nghỉ ngơi nhiều, ít hoạt động thể lực, lao động chân tay. Tuy nhiên, trong dịp Tết, nhiều người lại thường bỏ qua chế độ kiêng khem, ăn uống nhiều hơn, ít vận động, dẫn tới cân nặng dễ tăng lên khó kiểm soát.
Đặc biệt, việc ăn quá nhiều thịt cá, sử dụng nhiều đồ ngọt bánh kẹo và nước ngọt, uống nhiều rượu bia, ăn ít rau trong ngày Tết ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là người thừa cân béo phì. Chế độ ăn uống nhiều thịt cá (tăng đạm nguồn gốc động vật), ăn không điều độ, ăn không đúng bữa và số bữa ăn cũng nhiều hơn. Nhiều người còn quan niệm là “ăn cỗ hoặc đãi khách” trên mâm phải có nhiều món ăn, nhiều thịt và ít rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá tăng lên nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến mất cân đối khẩu phần ăn. Chế độ ăn này rất nguy hại đối với người bị bệnh gút, cao huyết áp, thừa cân và béo phì.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để cân đối chế độ dinh dưỡng, có thể “giữ dáng” sau khi kỳ nghỉ Tết, mỗi người cần biết cân đối lượng thức ăn nạp vào, có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý.
Đặc biệt, với người có nguy cơ thừa cân và béo phì cần lưu ý các loại thực phẩm có năng lượng cao; ví dụ như: Mỗi miếng bánh chưng có khoảng 150 đến 250 Kcalo, nếu ăn từ 2 đến 3 miếng bánh mỗi ngày thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, chưa tính đến các loại khác như bánh kẹo và rượu bia.
Trong những ngày nghỉ Tết, bên cạnh khẩu phần ăn nhiều đạm động vật, việc sử dụng quá nhiều bánh mứt kẹo, nước ngọt có ga, các loại nước ngọt khác cũng làm tăng năng lượng khẩu phần; vì vậy, người dân nên hạn chế sử dụng các loại sản phẩm này.
Đặc biệt, người dân cũng cần hạn chế việc uống rượu bia nhiều trong những ngày Tết vì có thể ảnh hưởng không tốt đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì.
Với người thừa cân, béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo chế độ dinh dưỡng hợp lý là đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật và thực vật. Người thừa cân cần tránh dùng các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: Thịt mỡ, bơ, fomat, não, nội tạng động vật, các món xào rán... Các thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng tiêu thụ ở mức vừa phải.
Đặc biệt, với nhóm thực phẩm chứa bột đường, nên sử dụng các thực phẩm như: Bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Bên cạnh đó, nên đảm bảo đủ vitamin và muối khoáng từ nguồn rau quả chín (khoảng 400g/ngày); xây dựng thói quen giảm ăn mặn, ăn uống điều độ đúng theo nhu cầu.