Sau khi chào đời, bé trai được chăm sóc đặc biệt. Hiện cả mẹ và bé sức khỏe đã ổn định. |
Theo PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh viện Hùng Vương, sản phụ V.T.T.Đ (22 tuổi, ngụ quận 6) nhập viện khi thai nhi được 38 tuần, có dấu hiệu đau bụng, cổ tử cung mở nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhiều. Sản phụ này được khám thai, làm các xét nghiệm, theo dõi thai kỳ đầy đủ và khá kỹ. Kỳ khám thai gần nhất có ghi nhận thai nhi bị dây rốn quấn cổ.
Khi đang nằm viện theo dõi chờ sinh, khi nghe tim thai, nữ hộ sinh thấy nhịp đập chậm (chỉ 65 lần/phút, trong khi nhịp tim thai bình thường khoảng 120-160 lần/phút). Ngay lập tức, nữ hộ sinh đã “báo động đỏ” cho bác sĩ trực.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp tối khẩn, ngay lập tức phải mổ bắt em bé ra thì mới cứu được bé, vì thế các bác sĩ, nữ hộ sinh đã cấp tốc chuẩn bị cho ca mổ.
Theo đó, từ lúc rạch da đến lúc bác sĩ đã bắt được em bé ra khỏi bụng mẹ chỉ mất khoảng 10 giây. Đây là ca mổ được thực hiện với tốc độ nhanh kỷ lục. Em bé chào đời nặng 3kg với dây rốn quấn đến 4 vòng quanh cổ, chiều dài dây rốn khoảng 80cm. Đây chính là nguyên nhân làm tim thai suy, vì thai nhi không nhận được đủ lượng máu nuôi từ mẹ qua dây rốn.
PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết, dây rốn quấn cổ là một trong những tai nạn của thai nhi. Các trường hợp dây rốn quấn cổ, chân, tay hay cơ thể của thai nhi thường xảy ra ở thời điểm thai nhi ở tuần 20 - 24. Bình thường, em bé hay bị dây rốn quấn chỉ 1 vòng quanh cổ. Tuy nhiên, thai nhi bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ là trường hợp rất hiếm. Các trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ không cần can thiệp sinh mổ ngay, có đến 2/3 trường hợp em bé bị dây rốn quấn cổ vẫn có thể sinh thường.
Theo các bác sĩ, thai phụ trong trường hợp siêu âm ghi nhận thai bị dây rốn quấn cổ cũng không nên quá lo lắng. Trong trường hợp này, thai phụ cần theo dõi thai máy (cử động thai) theo chỉ dẫn của bác sĩ.