Để góp phần làm tăng vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, trong năm 2019, Viện Dinh dưỡng quốc gia tập trung vào các giải pháp như: Cho trẻ em uống vi chất dinh dưỡng gồm Vitamin A, sắt, kẽm; tăng vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm gồm muối, sắt, kẽm vào bột mỳ, vitamin A vào dầu ăn.
Viện Dinh Dưỡng quốc gia cũng khuyến nghị người dân nên sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ, qua đó bổ sung đa vi chất dinh dưỡng sẽ có hiệu quả tới tăng trưởng và phát triển trẻ em nhiều hơn so với bổ sung một vi chất đơn lẻ.
Các doanh nghiệp tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm thực phẩm. Những trẻ được uống sữa theo chương trình sữa học đường cần tiếp tục sử dụng sữa tăng cường đa vi chất sẽ có lợi hơn cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Cũng trong năm 2019, Viện Dinh dưỡng quốc gia cấp 14 triệu viên đa vi chất dinh dưỡng miễn phí cho phụ nữ mang thai để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại 85 huyện nghèo trong cả nước.
Trong Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay (1-2/6) sẽ có 6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được uống Vitamin A, hàng triệu trẻ em từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: Những năm qua, Việt Nam được đánh giá là nước có mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em nhanh và bền vững.
Dù vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em nước ta vẫn còn cao (năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,4%, suy dinh dưỡng thấp còi là 23,4%), thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em Việt Nam hiện còn cao.
Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai toàn diện các giải pháp trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng thời gian tới để thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam.
Các tỉnh thành trên cả nước cũng phải triển khai có hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu dinh dưỡng tại địa phương mình.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu các vi chất dinh dưỡng khác giảm.
Đặc biệt kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao. Hàng năm Việt Nam có gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi ở 41 tỉnh thành, uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi và tẩy giun cho cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng miền, nhất là giữa miền núi, vùng khó khăn, vùng nông thôn với thành phố.
Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao ở thanh niên Việt Nam còn thấp. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.