Thống kê trên được đưa ra trong báo cáo mang tên “Toàn cảnh An ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu năm 2018”, được Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) José Graziano da Silva đưa ra ngày 3/12 trong kỳ họp lần thứ 160 của Cơ quan điều hành Hội đồng FAO tại Italy. Theo kế hoạch, kỳ họp này diễn ra trong các ngày 3-7/12.
Tổng Giám đốc FAO khẳng định hàng tỷ người thiếu vi chất dinh dưỡng do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất, trong khi bệnh béo phì ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Đáng lo ngại là thực trạng này “đang lan rộng và ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới”. Do đó, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương giải quyết tình trạng này thông qua việc thúc đẩy các thay đổi mang tính đổi mới trong hệ thống lương thực.
Ông Silva nêu rõ trong năm tới, FAO sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Phi đồng tổ chức Hội nghị An toàn thực phẩm vào tháng 2 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia; thành lập văn phòng dành riêng cho Hợp tác Tam giác và Nam-Nam để hỗ trợ an ninh lương thực và phát triển nông thôn.
Tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân và béo phì tồn tại tại nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài châu Phi, cộng đồng những người thu nhập thấp, phụ nữ, người thổ dân, da màu và các gia đình nông thôn ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe cũng đang phải "sống chung" với thực trạng này. Theo LHQ, ở các nước Mỹ Latinh hiện có khoảng 8,4% phụ nữ sống trong cảnh thiếu an ninh lương thực trầm trọng so với 6,9% của đàn ông, trong khi các cộng đồng người thổ dân thường phải chịu thiệt thòi trong việc thiếu lương thực hơn các cộng đồng khác.
Một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng suy dinh dưỡng ở các nhóm dân cư đặc biệt dễ bị tổn thương là do những thay đổi của hệ thống lương thực của khu vực liên quan tới chu kỳ từ sản xuất cho đến tiêu dùng. Trên thực tế những thay đổi này tác động tới tất cả mọi người nhưng một số thành phần phải chịu đựng những tác động bất lợi nhất, trong đó mặc dù đã được tăng số lượng tiêu thụ các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như sữa và thịt, song nhiều khi họ buộc phải lựa chọn những sản phẩm có nhiều mỡ, đường và muối do giá thành rẻ hơn.
Cùng với đó, bệnh béo phì đã trở thành mối đe dọa dinh dưỡng lớn nhất tại Mỹ Latinh. Theo thống kê chính thức thì cứ 4 người lớn sẽ có gần 1 người bị mắc bệnh béo phì. Thừa cân cũng đang ảnh hưởng tới 7,3%, tương đương với khoảng 3,9 triệu người, số trẻ em dưới 5 tuổi, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 5,6%. Đại diện của FAO tại Mỹ Latinh cho biết bệnh béo phì đang gia tăng một cách không thể kiểm soát nổi tại khu vực này khi mỗi năm có thêm 3,6 triệu người mắc bệnh béo phì, trong khi có khoảng 250 triệu người bị thừa cân.
Giới chức và các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện này là thúc đẩy các biện pháp tiếp cận y tế cộng đồng để tất cả mọi người có cơ hội được chăm sóc y tế và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa cần thiết trong vấn đề thiếu dinh dưỡng và những tác hại lâu dài. Ngoài ra, các tổ chức khu vực của LHQ cũng kêu gọi các nước áp dụng các chính sách giải quyết các vấn đề bất bình đẳng, khuyến khích hệ thống lương thực có lợi cho sức khỏe và bền vững.