Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho biết: Ở Việt Nam, bệnh cảnh lâm sàng thiếu vi chất dinh dưỡng đã được ghi nhận từ khá lâu. Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất đã được quan tâm thực hiện.
Trẻ em cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu một số vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu sắt, kẽm vẫn là vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam. Các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng ở Việt Nam hiện nay gồm thiếu i-ốt, vitamin A, sắt và kẽm. Các chuyên gia y tế cho rằng: Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.
9,8% trẻ em từ 8-10 tuổi bị bướu cổ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 1,6 tỷ người đang sinh sống trong khu vực thiếu hụt i-ốt, trong đó tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu là 12%. Số người bị mắc bệnh bướu cổ nhiều nhất ở các nước châu Á và châu Phi. Tại Đông Nam Á có khoảng 175 triệu người bị bướu cổ, chiếm 16,7% tổng số người bị bướu cổ trên thế giới. Việt Nam là nước nằm trong khu vực thiếu i-ốt.
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Bộ Y tế) giai đoạn từ năm 2010- 2015 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi chiếm 9,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%; mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Muối i-ốt tốt trong việc phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt và đây là một trong những yếu tố vi lượng rất quan trọng đối với cơ thể. Thiếu i-ốt sẽ gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của giống nòi và kinh tế - xã hội.
Ngay từ giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần thứ 12 của thời kỳ thai nghén, thai nhi cần i-ốt để tự tổng hợp hoóc- môn tuyến giáp nhằm duy trì sự sống. Tùy từng giai đoạn khác nhau của đời người, khi thiếu i-ốt sẽ gây nên tác hại khác nhau.
Đặc biệt, thiếu i-ốt trong thời kỳ bào thai sẽ gây xảy thai, đẻ non, con đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh. Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ là tổn thương vĩnh viễn không thể hồi phục được. Ở các lứa tuổi khác, thiếu i-ốt có thể gây bướu cổ và các biến chứng: thiểu năng giáp, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến phát triển sức khỏe.
Ở cộng đồng thiếu i-ốt, chỉ số thông minh IQ bị giảm 10% so với cộng đồng tương đồng không bị thiếu i-ốt. I-ốt không chỉ đóng vai trò phát triển trí tuệ mà còn góp phần phát triển thể lực; đặc biệt thiếu i-ốt cùng các vi chất khác cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi. Chính vì vậy, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bổ sung i-ốt vào thức ăn có hiệu quả phòng các rối loạn do thiếu i-ốt.
Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng cao Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em từ 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành năm 2014-2015 cho thấy: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp (ở mức 34,8%).
Tỷ lệ này không thay đổi so với kết quả Tổng điều tra năm 2010 của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi).
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển. Nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt được gọi là bệnh “khô mắt” nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn.
Nguyên nhân của việc thiếu vitamin A là do tình trạng nhiễm trùng đặc biệt là mắc sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy hoặc nhiễm ký sinh trùng đường ruột (nhất là giun đũa). Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng protein năng lượng năng thường kèm theo thiếu vitamin vì thiếu protein ảnh hưởng tới chuyển hóa, vận chuyển vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu các vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.
Thiếu máu do thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn ở mức cao
Theo Tổ chức Y Tế thế giới, thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, có thể kết hợp với thiếu a xít folic, nhất là trong thời kỳ có thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Ước tính toàn thế giới có hơn 2 tỷ người bị thiếu sắt, trong đó có hơn 1 tỷ người có biểu hiện thiếu máu. Thiếu máu hay gặp ở các nước đang phát triển. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, giảm khả năng lao động, học tập.
Theo kết quả điều tra tình trạng thiếu máu ở phụ nữ và trẻ em từ 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành năm 2014-2015 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8%, phụ nữ không có thai là 25,5% và trẻ dưới 5 tuổi là 27,8%.
Tỷ lệ này cao hơn ở miền núi, nông thôn và thấp hơn ở thành thị. Nguyên nhân là do chế độ ăn nghèo sắt; do tình trạng nhiễm giun móc và các bệnh nhiễm khuẩn khác. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiêu hóa còn khá phổ biến cũng gây thiếu máu, thiếu sắt…
Bên cạnh đó, cũng theo kết quả điều tra tình trạng thiếu máu ở phụ nữ và trẻ em từ 6-59 tháng tuổi do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành năm 2014-2015 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ không có thai là 63,6% và trẻ dưới 5 tuổi là 69,4%.
Như vậy, tỷ lệ thiếu kẽm ở Việt Nam rất cao so với ngưỡng phân loại của Nhóm tư vấn quốc tế về kẽm (IZINC). Theo đó, tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng trên 20% được xác định là vấn đề thiếu kẽm có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh: Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe khi tham gia vào hoạt động của các enzyme, vào biểu hiện kiểu gen, phân chia các tế bào và phát triển cơ thể; đồng thời, cũng tham gia vào chức năng sinh sản, miễn dịch, điều hòa vị giác, cảm giác ngon miệng.
Thiếu kẽm có thể làm chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao ở trẻ với biểu hiện chán ăn, nôn, tiêu hóa kém. Nặng hơn, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, lùn, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục và chậm phát triển tâm thần vận động. Nam giới có thể mấy khả năng sinh sản. Phụ nữ có thai thiếu kẽm làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai, đẻ non và tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ…