Bệnh viện quận đầu tiên triển khai cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn

Rối loạn nhịp chậm là một bệnh lý nguy hiểm. Để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm, phương pháp duy nhất mang lại hiệu quả hiện nay là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, bệnh viện vừa tiến hành cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công cho một bệnh nhân rối loạn nhip tim chậm.


Đó là bệnh nhân N. T. C, sinh năm 1943, ngụ tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức), vào khám tại bệnh viện ngày 2/3 với tình trạng chóng mặt nhiều lần trước đó. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có rối loạn nhịp tim chậm 30 lần/phút do hội chứng suy nút xoang. Bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn và nhập viện để tiến hành cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.


Ngày 3/3 ê-kíp các bác sĩ của khoa Hồi sức Tim Mạch cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia, bệnh viện đã tiến hành cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân N. T. C tại phòng thông tim, dưới sự hỗ trợ của máy DSA. Trong vòng 60 phút, cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Hiện tại bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường. Ảnh:BV

Theo các bác sĩ, ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 - 80 lần/ phút. Khi bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm hơn bình thường, chẳng hạn dưới 50 lần/ phút, dưới 40 lần/ phút, thậm chí dưới 30 lần/ phút có khi ngưng tim kéo dài. Tùy mức độ nhịp chậm, bệnh nhân có thể có biểu hiện khác nhau nhẹ thì chỉ mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng, nặng thì bị ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim đột tử.


Hiện nay, tại Việt Nam và trên thế giới nói chung để điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm, phương pháp duy nhất là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường.


Theo đó, bác sĩ sẽ cấy máy tạo nhịp vào dưới da ngực bệnh nhân, dây điện cực được luồn theo mạch máu vào buồng tim, cố định trong buồng tim. Nếu nhịp tim của bệnh nhân bình thường, máy sẽ ở trạng thái chờ, nếu nhịp tim bệnh nhân chậm, máy sẽ phát nhịp thay thế. Các máy tạo nhịp hiện đại ngày nay có chức năng đáp ứng nhịp, khi bệnh nhân gắng sức, bị sốt… máy sẽ tạo nhịp nhanh hơn dể đáp ứng theo nhu cầu cơ thể. Máy có tuổi thọ 10 – 12 năm.


Bác sĩ Lương Hoàng Liêm cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện quận Thủ Đức thực hiện cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp tim chậm cho bệnh nhân và cũng là bệnh viện quận đầu tiên trên cả nước thực hiện kỹ thuật này. Được biết, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn là một thủ thuật phân hạng đặc biệt theo Thông tư 50 phân loại danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế và được bảo hiểm y tế chi trả.


Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh lý rối loạn nhịp chậm nhiều khi không rõ ràng, có khi biểu hiện giống các bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình, có khi không có triệu chứng. Vì vậy, khi có biểu hiện mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu thì cần đi khám bệnh ngay để tầm soát phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp chậm.

Đan Phương
Bệnh viện dã chiến sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình
Bệnh viện dã chiến sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Công tác đào tạo huấn luyện nhân sự, chuẩn bị trang thiết bị của Bệnh viện dã chiến số 1 cần được đẩy nhanh để cuối năm nay có thể hành quân sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN