Bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh trong thời tiết nóng 37-38 độ C

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, trong những ngày tới, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng, nền nhiệt có thể lên đến 37 - 38 độ C, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhiều người đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thời tiết nắng nóng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn cũng như ký sinh trùng phát triển. Cơ thể trẻ em chưa có đề kháng nên dễ dàng bị các tác nhân gây bệnh tấn công.


Bác sĩ Đinh Thạc, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết trong mùa nắng nóng, trẻ thường mắc các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm đường hô hấp cấp tính, nhiễm siêu vi. Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu, nhóm bệnh sởi – quai bị - Rubella, viêm não Nhật Bản (còn gọi viêm não B), viêm màng não ở trẻ em cũng là những bệnh “đến hẹn lại lên” và thường xuất hiện vào mùa nắng nóng.

Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ để tránh các tác nhân gây bệnh trong mùa nắng nóng.

Khi thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.


Để chủ động phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống và tăng cường sức đề kháng cho trẻ như ăn uống hợp vệ sinh, không cho trẻ uống nước lã; tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ...


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ chơi, nghịch ngoài nắng gắt, nhất là vào buổi trưa và xế chiều; không nên cho quạt mát xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ ngủ; không nên để nhiệt độ điều hòa thấp và cũng không nên cho trẻ nằm ngủ hoặc chơi dưới làn gió của máy điều hòa nhiệt độ. Khi trẻ chơi ra mồ hôi nhiều làm ướt áo quần thì cần thay cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh; nên mặc quần áo thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.


Còn bác sĩ Đinh Thạc khuyến cáo, phụ huynh cần giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo thói quen ngủ mùng, tham gia phong trào diệt lăng quăng… để thực hiện tốt phương châm “nhà không lăng quăng thì không bệnh sốt xuất huyết”.


Tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt nhằm chống chọi với bệnh tật. Tiêm ngừa đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.


Theo các bác sĩ dinh dưỡng, cách quan trọng nhất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ là cung cấp đầy đủ nước và bổ sung chất dinh dưỡng. Theo đó, ngoài nước lọc thì sữa cũng chính là nước. Tuy nhiên, các loại nước trái cây chỉ nên dùng khi trẻ trên 2 tuổi vì độ ngọt có thể làm trẻ no giả và bỏ ăn, bỏ bú. Cho trẻ ăn đủ chất đạm, trái cây hàng ngày... Việc cho trẻ tập thể dục, ngủ sớm hàng ngày cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.


Phương Mai/Báo Tin tức
'Đánh đu' tính mạng của mẹ và bé khi sinh theo trào lưu 'thuận tự nhiên'
'Đánh đu' tính mạng của mẹ và bé khi sinh theo trào lưu 'thuận tự nhiên'

Trong thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bà mẹ ở Hưng Yên kể về quá trình tự sinh con "tự nhiên" tại nhà và dấy lên trào lưu sinh con "thuận theo tự nhiên". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, việc sinh con như vậy là "đánh đu" tính mạng của cả mẹ và bé.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN