Bắc Ninh: Nâng cao chất lượng các bệnh viện đa khoa tuyến huyện

Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu mà ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhằm thay đổi diện mạo mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến huyện.

Mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Bắc Ninh hiện nay gồm 7 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã; 8 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn cùng với mạng lưới nhân viên y tế ở thôn, tổ dân phố. Trong thời gian qua, ngành y tế đầu tư phát triển mạnh mẽ các bệnh viện tuyến huyện. Đến nay, 7/7 bệnh viện đã trở thành bệnh viện hạng II.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất là một trong những nội dung quan trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở mà nhiều bệnh viện tuyến huyện lựa chọn. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Quế Võ (Bắc Ninh), những năm gần đây bệnh viện đầu tư số lượng lớn máy móc kỹ thuật, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý điều hành các hoạt động khám, chữa bệnh nhằm cải tiến từ khâu đón tiếp đến quy trình khám để bệnh nhân đến được tiếp đón, rút ngắn thời gian khám bệnh, trả kết quả chiếu chụp, xét nghiệm sớm. Do đó, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện ngày một tăng, đặc biệt là bệnh nhân đăng ký phẫu thuật. Công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện đạt trên 150%.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến huyện rất chú trọng khâu tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quế Võ cho biết, thời gian qua Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch đào tạo theo đề án 1816, cầm tay chỉ việc, đề nghị các bệnh viện tuyến trên tăng cường nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở. Nhờ đó, những năm gần đây, hàng loạt kỹ thuật mới được triển khai, mang lại hiệu quả cao trong công tác khám, chữa bệnh. Một số kỹ thuật mới được chuyển giao như chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, kỹ thuật chạy thận nhân tạo, kỹ thuật nội soi chuẩn đoán tiêu hóa, kỹ thuật giảm đau trong chuyển dạ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, mổ nội soi ổ bụng…

Phẫu thuật cấp cứu một ca sinh phức tạp mà trước đây phải chuyển tuyến tại Bệnh viện đa khoa huyện Quế Võ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Là một trong những bệnh nhân được hưởng lợi từ chuyển giao kỹ thuật, bà Đỗ Thị Khoa, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: "Trước đây, tôi bị suy thận độ 3, phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai 10 năm, sau đó điều trị 7 năm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi phải đi lại tốn kém, Bệnh viện quá tải nên mất rất nhiều thời gian chờ được điều trị... Từ khi Bệnh viện huyện Quế Võ triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, với hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở khang trang, tôi hoàn toàn yên tâm về điều trị ở đây.

Bác sĩ Tạ Huy Đính, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện thực hiện liên kết mời các bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư có chuyên môn cao từ Bệnh viện Bạch Mai đến liên kết khám, điều trị tại Bệnh viện. Với mức công khám được tính như khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các xét nghiệm thực hiện theo quy định các bệnh viện tuyến huyện, bởi vậy lượng bệnh nhân đến khám theo hình thức này rất đông. Nhờ triển khai khai phương pháp này, bệnh nhân được hưởng những phương pháp điều trị tốt mà không phải đến các bệnh viện tuyến Trung ương với chi phí khám, chữa bệnh vượt tuyến cao.

Bệnh nhân Trần Văn Hùng, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, trước đây, do bị bệnh đường tiêu hóa, anh thường xuyên khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, đi khám bệnh viện tuyến trên rất tốn kém thời gian và tiền bạc. Từ khi Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn triển khai chương trình này, ba tháng một lần anh lại đến phòng khám theo yêu cầu để được các bác sĩ đầu ngành từ bệnh viện tuyến trên đến khám và tư vấn. Đến nay, bệnh tình của anh được theo dõi thường xuyên, sức khỏe ổn định.


Đưa bác sĩ từ bệnh viện Trung ương về các bệnh viện tuyến huyện là một trong những chủ trương đúng, không chỉ bệnh nhân được hưởng lợi ích mà các y, bác sĩ tại bệnh viện cơ sở có điều kiện tiếp cận những phương pháp kỹ thuật mới. Bác sĩ Trần Thị Vân, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, cùng với việc được cử đi đào tạo các kỹ thuật mới, chuyên sâu ở bệnh viện Trung ương, việc liên kết khám chữa bệnh với các bác sĩ bệnh viện Trung ương, giúp các bác sĩ tại đây tiếp cận kiến thức mới cũng như bổ sung kỹ năng còn thiếu trong khám, chữa bệnh.

Phát triển y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đây là mục tiêu ngành y tế tỉnh Bắc Ninh hướng tới. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Tâm cho biết: Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng những bệnh viện không có nguồn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ như Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn; chỉ đạo các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách làm việc hướng tới sự hài lòng của người bệnh, coi người bệnh là trung tâm. Đặc biệt, Bắc Ninh quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nhân tài; phối hợp bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, phát triển kỹ thuật mới, đưa bác sĩ có năng lực về các bệnh viện tuyến huyện…

Thanh Thương (TTXVN)
Bệnh viện tuyến huyện đầu tiên chẩn đoán bệnh từ xa
Bệnh viện tuyến huyện đầu tiên chẩn đoán bệnh từ xa

Qua hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa bác sĩ tuyến trên có thể tiếp cận được tất cả các thông tin của bệnh nhân giúp chẩn đoán – điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ở tuyến trước, tận dụng được những thời khắc “vàng trong điều trị”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN