Tìm giải pháp hạn chế tai biến sản khoa: Xung yếu ở y tế tuyến huyện

16 vụ tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra từ giữa tháng 4/2012 đến nay đã khiến 16 sản phụ và 11 trẻ sơ sinh thiệt mạng. Do đó, nhiều người dân lo lắng, hoài nghi về khả năng kiểm soát tình hình của ngành y tế trong bối cảnh nguồn nhân lực sản khoa đang rất thiếu, nhất là ở tuyến huyện.

 

Phần lớn những ca tai biến sản khoa thời gian gần đây xảy ra tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện, nơi đang thiếu trầm trọng cán bộ và trang thiết bị y tế.

 

Nhiều BV không có BS sản trực đêm


“Những trường hợp tai biến sản khoa gần đây, chỉ có một số ít xảy ra ở BV tuyến tỉnh, BV tư nhân, còn lại phần lớn xảy ra ở BV tuyến huyện”, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế, khẳng định.


Theo ông Khê, cho đến nay các tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Nha Trang, Gia Lai vẫn chưa gửi báo cáo cho Bộ Y tế về nguyên nhân xảy ra tai biến sản khoa tại địa phương. Hiện tại, Bộ Y tế mới nhận được Báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, TP.HCM, Quảng Nam. Kết quả cho thấy, phần lớn các tai biến tại 3 địa phương này đều do thuyên tắc ối, một bệnh lý rất hiếm gặp. Riêng trường hợp sản phụ tử vong tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM là không phải do tai biến sản khoa mà do bệnh nhân tử vong trên nền viêm gan tối cấp.


 

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu phục vụ khám chữa bệnh cho trẻ được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

Tuy chưa có kết luận cuối cùng về tất cả 16 ca tai biến nhưng theo đánh giá ban đầu của ông Nguyễn Duy Khê, ngoài những nguyên nhân bất khả kháng thì những vụ tai biến sản khoa thời gian gần đây cũng có nguyên nhân do BV tuyến huyện rất thiếu nhân lực và trang thiết bị.


Thực tế từ kết quả khảo sát do Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và sở y tế các tỉnh tiến hành gần đây cũng cho thấy, mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều bất cập, nhất là hệ thống y tế tuyến huyện. Trung bình mỗi BV đa khoa tuyến huyện chỉ có vẻn vẹn 5,5 BS công tác tại cả 2 khoa sản, nhi.


“Ở một số BV tuyến huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An chỉ có duy nhất 1 BS sản khoa làm việc. Thậm chí nhiều nơi, BS đa khoa phải làm kiêm nhiệm, phụ trách luôn cả khoa sản. Do đó, chuyện không có bác sĩ sản khoa trực đêm là điều khó tránh khỏi”, ông Khê chia sẻ.

 

Thiếu trang thiết bị cần thiết


 

Nhân viên y tế thôn bản kiểm tra sức khỏe phụ nữ mang thai ở xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Vụ tai biến sản khoa mới đây nhất là trường hợp của mẹ con sản phụ Huỳnh Thị Tùng, tử vong lúc 1 giờ sáng 9/6 tại BV đa khoa Mộ Đức (Quảng Ngãi). Do khoa Sản thiếu BS nên trong kíp trực đêm 8/6 chỉ có 2 nữ hộ sinh trực. Hiện nay, 2 nữ hộ sinh này đã bị đình chỉ công tác, chờ điều tra làm rõ vụ việc.

Ngoài sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực, nhiều BS sản khoa cũng tỏ ý lo ngại về sự bất cập của trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Hiện tại, trung bình mỗi BV huyện chỉ có 1 chiếc máy theo dõi sản khoa (Monitoring), một loại máy rất quan trọng trong theo dõi sự phát triển của thai nhi và hoạt động của tử cung. Nghĩa là, nếu có hơn 1 sản phụ cùng chuyển dạ thì những sản phụ khác sẽ không có máy để theo dõi. Tương tự, trung bình mỗi khoa sản tại BV tuyến huyện chỉ có 1 bình ô xy và bộ dụng cụ thở ô xy. Sự thiếu hụt loại trang thiết bị này chắc chắn sẽ khiến kíp trực khó xoay xở nếu cùng một lúc có 2 - 3 sản phụ cần phải có máy thở hỗ trợ…


Thiếu nhân lực, trang thiết bị nên năng lực cung cấp dịch vụ của các BV tuyến huyện còn nhiều hạn chế: Chỉ có 68,2% BV có thể mổ đẻ, 59,8% BV triển khai được hoạt động truyền máu và khoảng 1/2 số BV huyện là có khả năng cung cấp được cả 2 dịch vụ này. “Phần lớn ở BV tuyến huyện không có máu dự trữ. Trong khi đó, nhiều trường hợp tai biến sản khoa là do băng huyết, mà không có máu truyền thì không cứu được”, ông Khê lo lắng nói.


BS Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc BV Phụ sản TƯ, chia sẻ: “Khó lường hết được mọi tai biến có thể xảy ra trong một ca sinh đẻ. Ví như khi xảy ra tai biến băng huyết thì chỉ cần chậm xử lý trong khoảng 15 - 20 phút là cũng có thể tử vong”.


Theo BS Quyết, khi phải đối diện với những thông tin về các ca tai biến sản khoa, dư luận cũng không nên gay gắt, đổ lỗi cho cán bộ y tế chủ quan hoặc thiếu y đức. “Đã là BS thì không ai dám chủ quan vì sẽ đồng nghĩa với việc phải đánh đổi mạng sống của người bệnh. Các BS tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến huyện đang phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, ít được cọ xát, thiếu cơ hội được đào tạo và cập nhật kiến thức… Bởi vậy, có thể họ thiếu kiến thức để tiên lượng hết các nguy cơ”, BS Quyết cho biết.


BS Quyết chia sẻ thêm: “Những BS ở tuyến huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa rất thiệt thòi. Cả BV chỉ có một BS nên muốn đi học nâng cao cũng không đi nổi vì không có người làm việc. Có nơi còn không cho BS đi học vì sợ mất cán bộ”.


Như vậy, để hạn chế tai biến sản khoa, nhất là ở tuyến huyện, ngành y tế không chỉ cần tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ, mà còn cần sớm xây dựng một chính sách đặc biệt để “giữ chân” cán bộ sản khoa. Chỉ khi nào cán bộ y tế ổn định cuộc sống, có cơ hội nâng cao tay nghề và cơ hội tiến thân thì họ mới yên tâm, gắn bó với BV tuyến y tế cơ sở.

 

Phương Liên

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ sản, nhi
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ sản, nhi

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư trao đổi với Tin Tức xung quanh việc tìm nguyên nhân và giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN