Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, tính đến chiều 1/12, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 23.527 ca, có 399 trường hợp tử vong. Tỉnh cũng đã được cấp hơn 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19; trong đó đã tiêm hơn 2,8 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt 92,88%. An Giang cũng đã triển khai tiêm 156.076 liều vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, đạt 82,9%.
An Giang đang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng với mạng lưới 34 cơ sở có tổng số giường là 4.570. Trong những ngày gần đây, số ca tử vong trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, An Giang đã triển khai các trạm y tế lưu động chăm sóc điều trị F0 tại nhà, phát triển phần mềm riêng để quản lý 3.600 trường hợp và thực hiện điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào sử dụng Molnupiravir bị tử vong.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, từ ngày 1/10 đến 2/12, tổng số người từ ngoài tỉnh về An Giang hơn 72.000 người, trong đó đã có 1.572 trường hợp mắc COVID-19, do đó nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng nếu không kiểm soát, giám sát tốt. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, nếu không đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Đặc biệt, số lượng người được cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh hiện còn cao, một số cơ sở cách ly tập trung với số lượng lớn, dễ gây nguy cơ lây nhiễm chéo…
Nói về giải pháp chống dịch trong thời gian tới, bác sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, tỉnh tiếp tục quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường năng lực điều trị các tuyến, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi; đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân an tâm thực hiện các biện pháp chống dịch của địa phương.
Giám đốc Sở Y tế cho rằng, An Giang đang triển khai điều trị F0 tại nhà, thời gian qua được Bộ Y tế hỗ trợ cơ số thuốc Molnupiravir để điều trị cho 5.500 bệnh nhân, đến nay đã sử dụng cho 1.604 bệnh nhân. Tuy nhiên, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn cao, tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm 5.000 cơ số thuốc Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt là phương tiện phòng hộ để phục vụ tốt công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân...
Là địa phương giáp biên giới Campuchia, có nguồn thu ngân sách từ kinh tế địa bàn hằng năm rất thấp, tại buổi làm việc, An Giang cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương 100% kinh phí ngân sách nhà nước mua thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất làm cơ sở điều trị và khu cách ly tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để địa phương có nguồn thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang cùng với tỉnh Sóc Trăng là hai địa phương triển khai quyết liệt tiêm vaccine phòng COVID-19 khi đạt tỷ lệ tiêm khá cao. Thứ trưởng cũng ấn tượng đối với tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 -17 tuổi của An Giang đạt tỷ lệ khá cao, tới 83%.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thời gian qua, An Giang đã thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tạo tiền đề quan trọng để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, An Giang không được chủ quan lơ là, đặt biệt là nhanh chóng phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc điều trị, ngăn chặn nguy cơ trở nặng và tử vong.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị An Giang tập trung giám sát dịch tễ đối với những người có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế và các nơi tập trung đông người như bến xe, chợ, đặc biệt tại các nhà máy, xí nghiệp nơi có đông công nhân tập trung làm việc.
Đối với công tác điều trị, An Giang cần chủ động quản lý F0 tại nhà, tiếp cận các loại thuốc điều trị F0 như Molnupiravir, Avigan; xây dựng liên kết tốt hơn giữa các tầng điều trị, có thể tính đến việc kết hợp tầng 2 và tầng 3, phát triển mô hình cơ sở điều trị đa tầng để tối ưu hóa trang thiết bị và nhân viên y tế…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý việc tiêm chủng cho công nhân tại các khu công nghiệp, An Giang cần bố trí thời gian nghỉ ngơi cho công nhân trước khi tiêm chủng và theo dõi sau tiêm đúng quy định. Tỉnh cần xây dựng kế hoạch về tiêm vaccine bổ sung và tiêm nhắc lại theo hướng dẫn ngày 1/12 của Bộ Y tế.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến khảo sát thực tế tại một số hộ dân có F0 điều trị tại nhà và Khu cách ly tập trung ở phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.