Đừng quên giữ gìn bản sắc làng quê

Việc xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất hợp ý Đảng lòng dân và thành quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong xu thế phát triển, nhiều người lại đang rất lo lắng về sự mất mát, mai một của truyền thống, bản sắc văn hóa và các giá trị nhân văn của làng quê, về sự xuống cấp đạo đức và lối sống, ý thức cộng đồng ở những vùng quê xưa nay vốn yên bình.


Hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình của làng quê Việt Nam giờ đây thật sự hiếm hoi và gần như ngày càng mất dần trong tâm trí những thanh thiếu niên ngày nay bởi sự bùng nổ của nhịp sống hiện đại và mặt trái của cơ chế thị trường. Việc đô thị hóa nông thôn đã làm mất dần vẻ đẹp thuần khiết, thanh bình và thơ mộng của làng quê Việt Nam. Nhà theo kiến trúc kiểu Tây đã thay thế những ngôi đình làng cổ kính. Bờ tường có dây thép gai thay thế những lũy tre xanh hiền hòa. Cây đa, bến nước,sân đình, giếng làng bị chặt phá để xây dựng nhà máy, quán bia, quán karaoke, bán hàng tạp hóa... Những công trình, những nét đẹp văn hóa của làng quê, dưới sự tác động của cơ chế thị trường và lối sống hiện đại đang có nguy cơ ngày một mất dần thật sự đang là nỗi đau của những người yêu quê hương, biết tôn trọng và giữ gìn những nét đẹp truyền thống.


Phong cảnh làng quê đã mai một là một mất mát lớn, nhưng tình người làng quê đang có biểu hiện sa sút, đó mới là nỗi đau lớn ! Mặt trái của cơ chế thị trường khiến một bộ phận người dân ở một số làng quê học đòi lối sống hưởng thụ, sa sút đạo lý nhân văn. Một số làng quê đã xuất hiện xu hướng làm gì cũng mang tính thương mại hóa, những nét đẹp truyền thống của các trò chơi dân gian mất dần. Nhiều dịch vụ giải trí vốn “lộng hành’’ ở thành phố đã bắt đầu len lỏi vào từng ngõ xóm thôn quê, đem theo nhiều tệ nạn xã hội.


Rồi việc người lao động nông thôn không có việc làm do mất đất sản xuất, công nhân là con em nông thôn thất nghiệp về quê hương không có việc làm đã làm nẩy sinh nhiều tệ nạn xã hội đáng lo ngại. Việc ứng xử văn hóa trong cộng đồng còn nhiều biểu hiện sa sút. Một bộ phận thanh niên lo ăn chơi, hưởng thụ, các điều kiện để thanh niên nông thôn phát triển về tri thức, văn hóa, KHKT còn nhiều hạn chế. Nhiều gia đình “khoe tủ rượu’’ mà không có “tủ sách’’ để khoe ! Nhiều chị em nông thôn không biết hát ru con, không biết kể chuyện cổ tích. Một bộ phận lớn thanh niên không chịu tìm hiểu truyền thống quê hương, truyền thống dòng họ, truyền thống gia đình nhưng lại rất sành sỏi về chơi game, đánh bài ăn tiền và các trò chơi vô bổ... Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng quê rất hay, rất đẹp của ngày xưa, ngày nay đang mất dần. Một bộ phận lớn người dân lo làm ăn kinh tế, lãng quên nhiệm vụ xây dựng, bồi đắp các giá trị văn hóa, nhân văn cho lớp trẻ, ít chăm lo cho vẻ đẹp của quê hương...


Trước khi mỗi người sinh ra đều đã có văn hóa làng , truyền thống của làng, bản sắc của làng. Lớn lên, học tập, trưởng thành, chúng ta mới tiến hành xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng. Xây dựng nông thôn mới cũng có nghĩa là xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh nhưng lại phải có ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp, đó mới thật sự xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện và bền vững.



Vũ Ba Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN