Đèn ơi

“...Tết Trung thu xách đèn đi chơi. Em xách đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm... Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu...”



Đã hơn bốn mươi năm, nhưng bài hát ấy cứ sống mãi trong tôi nhất là khi chuẩn bị đón rằm tháng Tám. Hồi ấy, bà ngoại tôi thường tụ tập con cháu trước sân nhà phân phát bánh Trung thu rồi kể chuyện cổ tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ làm lũ nhỏ mê tít thò lò. Tôi còn mơ lớn lên làm phi công bay lên trời xem mặt mấy vị đó xấu đẹp ra sao?


Hồi đó, chúng tôi khoái làm đèn giấy với sườn được vót từ những cây trúc già dẻo dai, không bị gẫy, dễ chẻ nhuyễn. Hồ dán được khuấy bằng bột mì rất trong và dán rất dính, giấy dán đủ màu chủ yếu là giấy kiếng có khổ lớn, dán đến đâu lại cắt nhỏ đến đấy. Các loại đèn thông thường gồm: ngôi sao, cá chép, máy bay, tàu chiến, ghe thuyền, thỏ, bươm bướm, xe tăng... Mấy đứa nghèo thì xếp đèn giấy, đáy các tông bẻ dây kẽm làm chỗ ghim đèn cầy. Vậy là xong. Có đứa màu mè cầu kỳ hơn thì làm bằng lon sữa bò, phía trên là một lon đã đục lỗ xé ra từng xớ có đèn cầu găm ở giữa, lon phía dưới dùng làm bánh xe di chuyển nối liền một cần lái, khi chạy lồng đèn quay tạo những tia sáng ngộ nghĩnh, tiếng lon chạy kêu lon ton vui tai khắp xóm. Đèn cầy thì đủ màu: xanh, đỏ trắng, vàng...


Nhiều ấp, xóm, trường học còn tổ chức hội thi làm lồng đèn đẹp có treo giải thưởng. Thú vị làm sao khi ngồi dưới lũy tre làng, cây vông, cây mù u đầu làng hay các sân trường để vót nan làm đèn, có đứa lỡ tay bị dao cắt, nan trúc xĩa vào tay, dù chảy máu vẫn cười vui. Gần tới Trung thu thì nhiều đội quân thu mua len lỏi vào các ấp, xóm để mua trúc chuẩn bị làm đèn, có khi họ đặt cọc trước rồi năm sau mới đốn trúc. Nhiều cơ sơ sản xuất lồng đèn qui mô khá lớn mọc lên với hàng chục công nhân làm việc dưới sự chỉ huy của một nghệ nhân rất khéo tay. Các lò còn đua nhau chế tạo nhiều loại đèn mới, lạ mắt, giá rẻ. Các chợ bày bán bánh Trung thu, lồng đèn từ trước Tết Trung thu hàng tháng trời. Bánh Trung thu rất hiếm hoi, con nít nghèo thường ăn bánh chay, bánh pía, bánh dẻo không nhân.


Còn gì thú vị hơn, vào đêm rằm tháng Tám, giữa màu sáng lung linh của ánh trăng ngà, nhà nhà đều tắt đèn để lũ nhỏ đắm mình thực sự vào đêm Trung thu, nghe kể chuyện cổ tích, đèn giấy treo khắp nơi đủ màu, đủ sắc. Người lớn ăn bánh Trung thu, uống trà đậm nói chuyện mùa màng, làng xóm, trẻ con thì ca hát, xếp hàng nối đuôi nhau rong ruổi qua các con đường quê...


Lồng đèn giấy năm xưa nay đã đi vào quên lãng. Ra chợ bây giờ từ thành thị đến thôn quê thấy bán đầy lồng đèn điện tử chủ yếu là xài pin điện tử và xuất xứ tận bên Trung Quốc. Mẫu mã đa dạng, phong phú: súng, xe tăng, tàu chiến, kéo quân, các loại thú... bấm nút thì ánh lên đủ màu sắc kèm theo nhạc chuông hấp dẫn trẻ con.


Thấy buồn vì trẻ con bây giờ hầu như không còn biết sự tích chú cuội cây đa, không biết làm lồng đèn giấy nữa. Đâu rồi các hội thi khéo tay làm đèn, các lò sản xuất giải nghệ. Lồng đèn giấy rẻ tiền hình như giờ chỉ để ban phát cho học sinh nghèo các vùng nông thôn sâu để đỡ tủi thân, do giá rất rẻ.


Dẫu biết thời buổi hiện đại hóa, mọi sinh hoạt vui chơi giải trí đều được công nghệ hóa, khỏi mất công làm, đỡ mất thời gian nhưng sao vẫn thấy áy náy, tiêng tiếc một cái gì đó rất xưa nhưng quý giá vô ngần và không bao giờ trở lại.


Đèn ơi!


Tam Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN