Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác liên quan đến quản lý chất thải

Ngày 10/3, tại cuộc họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam-Bộ Môi trường Nhật Bản, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những hợp tác liên quan đến quản lý chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn không phát sinh chất thải. 

Chú thích ảnh
Phân loại và xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau. Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nội dung về quản lý chất thải rắn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường như quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại cần được hướng dẫn cụ thể.

Các nội dung cần hướng dẫn bao gồm việc ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; việc thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; về tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mô  hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động. Trong đó, có những điểm hoàn toàn mới đối với Việt Nam như thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích phát sinh; lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa… 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền thông tin, năm 2021, nhằm hỗ trợ cho việc đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý và các quy định có liên quan của Nhật Bản là rất cần thiết, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất thải rắn; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý, mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích phát sinh.

Bộ Môi trường Nhật Bản thống nhất sẽ hợp tác, chia sẻ thông tin về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; các văn bản quy phạm pháp luật của Nhật Bản về phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; các hướng dẫn về đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động; về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc cử chuyên gia tham gia xây dựng và rà soát các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thời gian tới, hai bên sớm có cuộc họp trực tuyến để làm rõ hơn các nội dung liên quan đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Năm 2021, Việt Nam đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến “Nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu về công cụ kinh tế trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt để góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải” để hỗ trợ Việt Nam xây dựng nội dung nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo chuyên gia Nhật Bản Hideki Wada, phía Nhật Bản lựa chọn hai địa phương mục tiêu là Bắc Ninh và Bình Dương cùng các hỗ trợ tiềm năng trong tương lai. Tại Bắc Ninh, các hoạt động hỗ trợ như quy hoạch quản lý chất thải theo vùng, kiểm soát chất thải mục tiêu thông qua phân loại rác tại nguồn với việc xây dựng kế hoạch kiểm soát chất thải theo mô hình thí điểm tại một xã, rà soát kế hoạch kiểm soát chất thải mục tiêu. 

Nhật Bản cũng hỗ trợ Bình Dương kiểm soát chất thải mục tiêu giống Bắc Ninh. Tuy nhiên, với khó khăn Bình Dương đang gặp phải trong thúc đẩy công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, xây dựng dự án 500 tấn/ngày theo công nghệ này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi cho dự án với việc xác định các yếu tố lập kế hoạch, lựa chọn đơn vị cung cấp, xây dựng báo cáo khả thi, xây dựng hợp đồng với các rủi ro của dự án, biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Hiện tại, hai địa phương đang phối hợp với đơn vị tư vấn để gửi công văn đề xuất các hoạt động cụ thể có thể hỗ trợ tại các địa phương tới Bộ Môi trường Nhật Bản.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Làm tốt việc xử lý chất thải tại khu cách ly tập trung, khu phong tỏa Hải Dương
Làm tốt việc xử lý chất thải tại khu cách ly tập trung, khu phong tỏa Hải Dương

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thu gom, xử lý rác thải của tỉnh đã cơ bản xử lý triệt để những vấn đề liên quan đến rác thải, môi trường ở các khu vực cách ly, phong tỏa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN