Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: Trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Điều 54) và Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Điều 55). Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra nguyên tắc cơ bản của cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với việc yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải. Dự kiến 6 nhóm ngành hàng: pin và ắc quy; điện và điện tử; săm lốp; dầu nhờn; ô tô và xe máy; bao bì là đối tượng của cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất giúp tăng cường dòng tài chính và hợp tác đa bên vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc tăng tỉ lệ tái chế chất thải, bao gồm tái chế chất thải nhựa. Cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng đến. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là các nhà sản xuất và nhà tái chế, để xây dựng các quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất thực tế, hiệu quả và khả thi trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhằm quản lý hiệu quả chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa ở Việt Nam”.
Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường. Nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Việt Nam hiện xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 - 16%, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.