Ngày Tết độc lập 2/9, chúng tôi may mắn được ông Nguyễn Văn Thân (biệt danh Mười Thân) và anh Trần Văn Phùng, cháu ruột ông Ba Tửng (chủ quán Nhan Hương), chia sẻ về cách thức hoạt động của chiến sỹ Biệt động năm xưa. Do gần ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nên lượng du khách ghé tham quan và tìm hiểu về quán Nhan Hương năm nay cũng khá đông.
Ông Mười Thân, cán bộ quân báo hoạt động trong hàng ngũ của địch nhớ lại, di tích lịch sử quán Nhan Hương nằm bên trong Thảo Cầm Viên (quận 1) trước kia là một trong những cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn, được thành lập năm 1963. Nhưng đến khi giải phóng 1975, quân địch vẫn không phát hiện ra quán Nhan Hương là nơi hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Từ trước Quốc khánh năm 1974, quán Nhan Hương dừng mọi hoạt động bí mật, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại đây lại tất bật chuẩn bị công tác đón, dẫn đường cho bộ đội giải phóng miền Nam năm 1975.
“Sau khi thành lập, quán là nơi nuôi giấu cán bộ quân khu, lực lượng biệt động Sài Gòn, đồng thời là nơi lãnh đạo cấp cao của Sài Gòn - Gia Định gặp gỡ chiến sĩ để đưa ra chỉ đạo cho trận đánh Mậu Thân 1958, động viên tinh thần các chiến sỹ trước các trận đánh. “Năm 1965, tôi bắt đầu đến quán Nhan Hương hoạt động, nhiệm vụ của tôi chủ yếu là thu thập thông tin của quân địch, do lúc đó tôi nằm trong đơn vị Hải quân của Việt Nam Cộng hòa. Để truyền tin cho đồng đội, chúng tôi thường có ám hiệu với nhau như: mặc áo gì, cầm mũ gì… bước vào quán và truyền thông tin cho đồng đội. Tại quán, chủ quán cũng xây dựng những căn hầm bí mật ở khu vực quầy tính tiền, trên trần nhà... để chứa thông tin, tài liệu mật được truyền tới. Trong suốt thời gian hoạt động, tôi thường truyền tin tức biến động của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các bản đồ tác chiến, bản đồ vị trí ém quân của địch…”, ông Mười Thân nói.
Theo ông Mười Thân, người đứng ra thành lập quán Nhan Hương là ông Nguyễn Văn Tửng, sinh năm 1913 tại Trà Vinh. Ông xây quán bằng khoản tiền tích góp và đặt tên là Nhan Hương (theo tên người vợ đã mất). Sở dĩ, quán Nhan Hương được chọn xây dựng trong Thảo cầm viên Sài Gòn do nơi đây luôn có đông người ra vào nên cán bộ có thể ra vào dễ dàng mà không bị nghi ngờ. Ngoài ra, khu vực này cũng nằm gần các cơ quan đầu não của đối phương, thuận lợi cho việc chỉ đạo các chiến dịch của quân ta.
Anh Trần Văn Phùng, cháu của ông Ba Tửng kiêm giao liên của Biệt động Sài Gòn, cho biết, tất cả nhân viên trong quán Nhan Hương đều là người thân, con cháu của chú Ba Tửng và đều tham gia hoạt động cách mạng. Ngoài ra, quán nằm ở trung tâm Sài Gòn nên có rất đông khách, vì vậy nơi đây vừa là cơ sở kinh doanh để nuôi sống gia đình ông Tửng và cũng là nơi cung cấp tài chính cho cách mạng. Do quán hoạt động khá bí mật nên đến khi giải phóng năm 1975, quán vẫn không bị quân địch phát hiện ra. Trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương còn là hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu... của quân và dân ta.
Từ năm 1963 cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, quán Nhan Hương đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn, bí mật cho nhiều cán bộ quân khu, biệt động, quân báo… đến trú ém và nhận chỉ thị tham gia một số trận đánh quan trọng của quân và dân ta trong thời kì kháng chiến.
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh tại quán Nhan Hương nhân dịp kỉ niệm Tết độc lập 2/9: