Đây là chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020), qua đó giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, thu hút khách du lịch. Các hoạt động góp phần từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch, mở đầu đợt du lịch cao điểm cuối năm 2020, lan tỏa tinh thần khắc phục khó khăn, phòng, chống dịch COVID-19.
Các hoạt động với chủ đề “Vui Tết độc lập” có sự tham gia của trên 100 đồng bào thuộc16 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer); khoảng 30 nghệ sỹ, diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc…
Ngày 2/9, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc nhằm mang tới tiếng cười, những phút giây thoải mái cho du khách, nhất là trẻ em. Bên cạnh đó, công chúng còn được thưởng thức chương trình dân ca dân vũ “Vui hội non sông” mừng Ngày Quốc khánh. Đặc biệt, mỗi nhóm đồng bào đều có các tiết mục thể hiện niềm vui trong ngày hội, tình yêu quê hương, đất nước. Đồng bào sẽ giới thiệu một số trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc như ném còn, nhảy sạp, đi cà kheo, đánh yến…
Vào các dịp cuối tuần trong tháng 9/2020, sẽ diễn ra chương trình biểu diễn ca múa nhạc “Gửi trọn niềm tin” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc với các tiết mục dân ca, dân vũ, ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, tôn vinh vẻ đẹp quê hương đất nước.
Lễ SenDolta (Lễ cúng ông bà) cũng sẽ diễn ra dịp cuối tuần tại quần thể chùa Khmer. Đây là một trong ba lễ lớn hàng năm của đồng bào dân tộc Khmer, mang ý nghĩa báo hiếu, cúng ông bà tổ tiên. Trong dịp này, con cháu dù bận rộn cũng cố gắng trở về sum họp với gia đình, đi chùa cầu an, tưởng nhớ công ơn đấng sinh thành, ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đăk Lắk sẽ tái hiện Lễ cúng cơm mới. Theo quan niệm của đồng bào Ê Đê, sau khi lúa được đưa về nhà phải đem nấu thành cơm cúng thần linh, báo cáo thành quả lao động, cảm tạ ông bà tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu, cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho mùa vụ mới… Với ý nghĩa tâm linh đó, hàng năm, mỗi gia đình Ê Đê đều làm lễ cúng cơm mới, ngoài ý nghĩa văn hóa sâu sắc, đây cũng là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết, giáo dục con cháu về cội nguồn.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng còn tổ chức chương trình giao lưu ca nhạc “Về nghe gió kể”, giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian như diễn tấu chiêng đồng, nhạc cụ tre nứa; dân ca, dân vũ truyền thống... mang tới một không gian đượm chất Tây Nguyên bằng âm nhạc...
Nhóm các nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ cùng du khách trải nghiệm, giao lưu trong các tiết mục văn nghệ, nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống tiêu biểu; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc…