Vẫn còn bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động Việt Nam

Theo một nghiên cứu về thị trường lao động vừa công bố của Tổ chức lao động thế giới (ILO) nhân ngày quốc tế phụ nữ mùng 8/3, tại Việt Nam, vẫn tồn tại khoảng cách trong cả vấn đề tiếp cận thị trường lao động và chất lượng việc làm.

Một lao động nữ học nghề để chuyển đổi việc làm.


Báo cáo Điều tra lao động việc làm quốc gia Việt Nam gần nhất cho thấy, tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới (71% so với 80,6%). Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ cao hơn một chút so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%).



Khoảng cách về giới đặc biệt rõ nét khi xét về khía cạnh loại hình công việc. Nhiều phụ nữ phải làm những công việc dễ bị tổn thương (thường không ổn định và ít có bảo hiểm xã hội) hơn so với nam giới. Tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương ở nữ giới cao hơn nam giới tới 12,4%.



Trong nhóm lao động làm công ăn lương, thu nhập từ việc làm hàng tháng trung bình của nam giới cao hơn phụ nữ 10,7% (5,3 triệu đồng so với 4,7 triệu đồng).


Còn ở cấp độ toàn cầu, báo cáo chỉ ra rằng, phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới.


Điểm đáng chú ý là phụ nữ thường làm các công việc phi chính thức và ít ở vị trí quản lý. Báo cáo này cũng cho thấy phụ nữ phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về chất lượng việc làm. Chẳng hạn như, khả năng phụ nữ làm lao động gia đình vẫn cao gấp đôi so với nam giới. Điều này có nghĩa là họ tham gia công việc kinh doanh gia đình theo định hướng thị trường nhưng thường đối diện với những điều kiện làm việc dễ bị tổn thương, không có hợp đồng bằng văn bản, thiếu sự tôn trọng pháp luật lao động và không có các thỏa ước lao động tập thể.



Trong khi ở các nước mới nổi, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công việc gia đình đã giảm trong thập kỷ qua, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao ở các nước đang phát triển, ở mức 42% trong tổng số việc làm của phụ nữ năm 2018, so với mức 20% trong tổng số việc làm của nam giới và không có dấu hiệu cải thiện cho đến năm 2021.



Do đó, phụ nữ vẫn chiếm phần đông trong việc làm phi chính thức ở các nước đang phát triển. Những nghiên cứu này cũng khẳng định nghiên cứu trước đó của ILO, cảnh báo về khoảng cách giới đáng kể về tiền lương và an sinh xã hội.



Nói đến phụ nữ làm kinh doanh, các tác giả cũng ghi nhận rằng, số lượng nam giới làm việc ở vị trí người sử dụng lao động cao gấp bốn lần phụ nữ năm 2018 trên toàn cầu. Những khoảng cách giới như vậy cũng được phản ánh ở các vị trí quản lý, theo đó phụ nữ tiếp tục đối mặt với những rào cản của thị trường lao động khi tiếp cận các vị trí quản lý.



“Những thách thức và trở ngại dai dẳng đối với phụ nữ sẽ làm giảm khả năng các xã hội xây dựng lộ trình tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội. Do đó, xóa bỏ khoảng cách giới trong thế giới việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030”, Damian Grimshaw, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của ILO, đánh giá.


XC/Báo Tin tức
Quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trái tuyến được thanh toán như thế nào?
Quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trái tuyến được thanh toán như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi đăng ký nơi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu ở Bệnh viện quân y 110 (Bắc Ninh). Nếu tôi đi khám bệnh viện ở Hà Nội có được chi trả không? Nếu có là bao nhiêu phần trăm?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN