Trường cao đẳng, trung cấp cam kết sinh viên tốt nghiệp có việc làm

Để tuyển sinh cho năm học 2019-2020, các trường cao đẳng, trung cấp đang đẩy mạnh tư vấn tới học sinh các trường THPT, THCS và các tổ dân phố, khu dân cư. Một số trường cam kết trả lại toàn bộ học phí nếu sinh viên ra trường không có việc làm.

Tư vấn tuyển sinh qua kênh xã phường

Các trường cao đẳng, trung cấp xác định năm nay công tác tuyển sinh năm học 2019-2020 vẫn gặp nhiều khó khăn do học sinh, phụ huynh vẫn có khuynh hướng lựa chọn vào đại học. Thầy Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - điện lạnh Hà Nội cho biết: Năm 2018, dù doanh nghiệp đến tận trường tuyển sinh viên năm cuối đi làm nhưng nhà trường chỉ tuyển được hơn 70% so với chỉ tiêu. Nguyên nhân là phụ huynh, học sinh vẫn quan niệm học nghề sẽ lao động nặng nhọc dù có việc làm ngay khi ra trường.

Chú thích ảnh
Sinh viên đang thao tác với kỹ thuật nghề điện lạnh

“Do đó, năm 2019, nhà trường hướng tư vấn tuyển sinh qua các kênh xã phường, các nhóm học sinh khối THPT, THCS khu vực ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Hồng. Điểm mới năm nay là một số quận huyện Hà Nội đã tổ chức tư vấn tuyển sinh từ cấp THCS theo từng cụm để có thể định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh”, thầy Phạm Tiến Dũng cho biết.

Ngày 23/3, tại trường THCS Yên Nghĩa, cụm trường tại Hà Đông cũng đã tổ chức tư vấn tuyển sinh. Đến dự buổi tư vấn, bà Đỗ Thị Phụng (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội), phụ huynh em Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Tôi muốn tìm hiểu định hướng nghề công nghệ thông tin. Nếu thấy phù hợp sẽ cho con theo học”.

Còn thầy Nguyễn Đức Thắng, Trường Cao đẳng điện tử điện lạnh Hà Nội cho biết: Các tổ trưởng dân phố nắm khá rõ thông tin số lượng thanh niên muốn học nghề trên địa bàn. Mới đây, bác Trần Minh Đức, tổ trưởng tổ dân phố thôn Hoàng 3, Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gặp tôi thông báo tổ có 2 trường hợp đã tốt nghiệp THCS hơn năm nay đang làm nghề tự do muốn học nghề điện lạnh. Đây là nguồn thông tin tư vấn tuyển sinh quý giá.

Còn thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội cho biết: Năm nay trường kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tuyển sinh. Tâm lý phụ huynh học sinh vẫn muốn con có bằng văn hóa để khi có cơ hội sẽ tiếp tục học đại học. Do đó, trường kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tư vấn, giới thiệu nghề mà thị trường lao động cần để tốt nghiệp là có việc làm.

Đào tạo gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Cả nước mới có 56% người lao động qua đào tạo nhưng thực chất chỉ có 22% là có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Do đó, ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần nỗ lực để nâng cao tỷ lệ đào tạo lao động có tay nghề. Muốn GDNN phát triển, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Khi nào xã hội thay đổi nhận thức, đặc biệt là các bậc phụ huynh, học sinh có cách nhìn đúng về GDNN sẽ thu hút người học.

Chú thích ảnh
Đào tạo nghề lái xe theo nhu cầu của thị trường lao động tại Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội 

“Trong tuyển sinh, các trường gắn với nhu cầu thị trường lao động, việc làm. Trong năm qua, 26 trường nghề trong hệ thống GDNN đã có cam kết sinh viên trường nghề ra trường trong 6 tháng, nếu nhà trường không tạo việc làm được cho sinh viên thì sẽ trả lại học phí. Đây là những trường tuyển sinh tốt trong những năm qua”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nấu ăn - nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Nhà trường ký kết đào tạo với hơn 20 doanh nghiệp và nhận sinh viên thực tập. Khi học sinh tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng vào làm việc. Còn học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Điện tử - điện lạnh Hà Nội cũng được các doanh nghiệp nhận đi trải nghiệm và làm tại doanh nghiệp, được trả lương. “Các đơn đặt hàng nguồn nhân lực có từ năm thứ hai nhưng trường không có sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp”, thầy Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Ông Mai Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP Công nghệ điện lạnh Bình Minh chia sẻ: “Đơn vị hợp tác với nhà trường trong thực hành tại doanh nghiệp và được hỗ trợ từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày cộng với bao ăn, ở. Chúng tôi còn thông báo cho các em sau khi tốt nghiệp có nhu cầu thì quay lại công ty làm việc với mức lương thỏa thuận và chính sách đãi ngộ tốt”.

Lãnh đạo một số trường đang thực hiện mô hình hợp tác với doanh nghiệp nhận định, học sinh được học gắn liền với thực tế và doanh nghiệp không phải đào tạo lại.

Theo báo cáo của 63 Sở LĐTBXH, tính trung bình, năm 2018 tỉ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như nghề: điều khiển phương tiện thủy nội địa (7,5 triệu đồng); vận hành cần, cẩu trục khoảng 8 triệu... Có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, ngành phấn đấu tuyển sinh GDNN đạt 2,26 triệu người, trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 560.000 người; Tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,7 triệu người.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường
'Hà Nội là điểm đầu tư rất tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản'
'Hà Nội là điểm đầu tư rất tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản'

Ngày 29/3, UBND thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN