Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ bị bạo hành

Theo đánh giá, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) theo Luật TGPL hiện hành còn khá hẹp, dẫn tới nhiều người cần được TGPL, trong đó có nạn nhân của bạo lực gia đình không được hưởng chính sách này.

Còn e ngại

Thời gian qua, một số diễn đàn, mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh một người phụ nữ bị chồng bạo hành, đánh đập dã man ở Bắc Giang, khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ. Nạn nhân là chị Dương Thị H. (sinh năm 1994, quê ở Thái Nguyên) lấy chồng ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ngày 17/2/2016, chồng chị là Đoàn Văn C. (sinh năm 1983) có biểu hiện say xỉn, mất kiểm soát, lấy kiếm tự chế chém nhiều nhát vào người, khiến chị H. bị gãy xương, đứt nhiều gân ở cổ chân phải, chân trái đứt xương gót.

Điểm tư vấn, trợ giúp pháp lý tại huyện Sông Hinh (Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy bạo lực gia đình, bạo lực giới ở Việt Nam vẫn là vấn đề nhức nhối. Theo số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị đánh, bị cưỡng bức về tình dục hay từng phải chịu các hình thức lạm dụng khác. Tỉ lệ phụ nữ chịu bạo lực tinh thần lên tới 53,6%, sau đó là bạo lực thể xác 31,5%. Đáng lưu ý, theo đánh giá của Cơ quan Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) năm 2011 về thực trạng của phụ nữ trong hệ thống pháp lý hình sự cho thấy, không có nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình được tiếp cận hỗ trợ pháp lý và có đến 77% các trường hợp nín nhịn, không trình báo với cơ quan chức năng.

Lý giải về tình trạng này, nhiều ý kiến nhận định, điều này xuất phát từ nhận thức của xã hội cũng như quan niệm phong kiến của người Việt Nam. Những suy nghĩ “trong nhà đóng cửa bảo nhau” hay “đừng vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” hoặc phụ nữ là phải cam chịu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Do đó, khi phụ nữ bị bạo hành họ thường chịu đựng không chia sẻ với ai trừ những người rất thân thiết trong gia đình.

Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người bị bạo hành, kể cả mặt pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Theo quy định của Luật TGPL hiện hành, phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa được quy định là đối tượng TGPL, trong khi đây là vấn đề rất nhạy cảm. Cụ thể, người được TGPL chỉ bao gồm: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân bị buôn bán, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Trần Nguyên Tú, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) cho biết, pháp luật chưa quy định mô hình TGPL cho phụ nữ cũng như chưa có trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được về quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Trong khi đó, người thực hiện TGPL tại nhiều trung tâm TGPL cũng chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới...

Nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý

Với những bất cập hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam cần phải được bổ sung, hoàn thiện. Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiều điều khoản bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người. Do đó, pháp luật cần có cơ chế để bảo vệ phụ nữ trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, hành vi bạo lực giới hoặc tội phạm buôn bán phụ nữ.

Theo TS. Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp), để phù hợp với bản chất của hoạt động TGPL là Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế, những người không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý khi họ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) đã bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định, bao gồm người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Các chuyên gia đánh giá, việc sửa đổi Luật TGPL đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những “lỗ hổng” trong khung luật pháp về TGPL, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam.
PV
Hỗ trợ phụ nữ mang thai bị bạo hành
Hỗ trợ phụ nữ mang thai bị bạo hành

Viện LIGHT đang hỗ trợ tỉnh Thái Bình triển khai dự án “Phòng ngừa bạo lực giữa những người thân (IPV) cho nhóm phụ nữa mang thai và nuôi con dưới 12 tháng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN