Hỗ trợ phụ nữ mang thai bị bạo hành

Viện LIGHT đang hỗ trợ tỉnh Thái Bình triển khai dự án “Phòng ngừa bạo lực giữa những người thân (IPV) cho nhóm phụ nữa mang thai và nuôi con dưới 12 tháng”.

Tư vấn cho phụ nữ mang thai. Ảnh: TTTXVN

Theo kết quả khảo sát đánh giá ban đầu do nhóm tư vấn triển khai mới đây tại 9 xã của huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho thấy bạo lực tập trung chủ yếu xảy ra tại nhóm phụ nữ mang thai chiếm 70,5% và nhóm phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi chiếm 11,1%. Đánh giá về những loại bạo hành với phụ nữ mang thai và phụ nữ nuôi con dưới 1 tuổi, có 72% cho rằng đó là bạo lực về tinh thần, 25% cho rằng đó là bạo lực về thể xác, 3% là bạo lực về kinh tế.


Kết quả này cũng tương đối giống với số liệu thống kê của huyện Kiến Xương giai đoạn 2012 – 2015, cụ thể là bạo lực tinh thần chiếm 61%, bạo lực về thể xác chiếm 19%, bạo lực về tình dục chiếm 6% và bạo lực về kinh tế chiếm 14%.


Khi nhóm nghiên cứu triển khai khảo tại 10 xã về nguyên nhân dẫn tới bạo lực giữa những người thân, có 76% cho rằng từ nghèo đói, 38,1% cho rằng chồng có hành vi sống không lành mạnh, chỉ có 10,6% cho rằng đó là nguyên nhân về bình đẳng giới và 7,5% cho rằng là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Qua đó, nhóm tư vấn kiến nghị cần nâng cao nhận thức của các đối tượng trong dự án về bất bình đẳng giới và thiếu hiểu biết về pháp luật.


Chị Nguyễn Thị Trung, cán bộ dân số xã Quang Hưng (Kiến Xương) chia sẻ: “Nhiều gia đình hoặc chị em phụ nữ lo ngại và mặc cảm, tự ti về bản thân không dám bộc lộ suy nghĩ cũng như chia sẻ những vấn đề bị bạo hành hàng ngày của bản thân với các cán bộ hay bà con láng giềng.”


“Điều đáng buồn là những người chứng kiến hoặc có biết đến hành vi bạo lực tại một số gia đình có phụ nữ mang thai thường không can thiệp ngay lập tức mà thường đợi một thời gian sau mới khuyên giải hay an ủi người chồng hoặc người vợ”, chị Nguyễn Thị Trung cho biết.


Nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực giữa những người thân (IPV) là các vấn đề như: điều kiện kinh tế, ngoại tình, người chồng có hành vi sống không lành mạnh, thiếu kỹ năng sống, bình đẳng giới hay thiếu hiểu biết về pháp luật.


“Thật đáng buồn là có rất nhiều người dân không được trang bị những hiểu biết về các loại bạo hành này. Có không ít trường hợp người phụ nữ cam chịu để bị chồng bạo lực mà không có bất kỳ hành động phòng chống nào. Và chỉ có một số rất ít phụ nữ tìm kiếm sựn giúp đỡ ngay khi bị bạo hành”, đại diện nhóm tư vấn cho biết.


Trong thời gian mang thai, những người phụ nữ có nhiều thay đổi về cả thể chất lẫn tâm lý, họ trở nên nhạy cảm hơn với mọi thứ bên ngoài. Bởi vậy, người phụ nữ khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng luôn cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ phía gia đình và cộng đồng.


Trên thế giới, con số ước tính bạo hành trong quá trình mang thai dao động từ 13% đến 60%, trong khi bạo hành trong thời kỳ cho con bú là 13-21%. Còn tại Việt Nam, tuy chưa có con số chính thức về IPV trong phụ nữ mang thai và cho con bú, nhưng tình trạng này không phải là hiếm gặp, nhất là khu vực nông thôn. Do đó, bà Nguyễn Thu Giang, phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết: “IPV là một vấn đề lo ngại lớn đến quyền con người và sức khỏe, nhất là đối với phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng. Cơ quan chức năng và tổ chức xã hội cần chung tay giải quyết”.


Dự án “Phòng ngừa bạo lực giữa những người thân (IPV) cho nhóm phụ nữa mang thai và nuôi con dưới 12 tháng” được dự kiến thực hiện với khoảng 1.200 phụ nữ mang thai và phụ nữ có con dưới 1 tuổi đến khám tại 10 trạm y tế của huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) với mục tiêu đó là giảm thiểu các tình trạng bạo lực tại cộng đồng và sàng lọc và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế.


Thông qua dự án, những người phụ nữ và các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của bản thân trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, để dự án phát huy hiệu quả lâu dài cũng cần sự vào cuộc của các cán bộ y tế địa phương và chính quyền các cấp nhằm đưa dịch vụ hỗ trợ, tư vấn sức khỏe cho chị em phụ nữ, đặc biệt là trong khoảng thời gian mang thai.


Hương Giang - XC
Tháng của phòng chống bạo lực gia đình
Tháng của phòng chống bạo lực gia đình

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy tháng 6 hằng năm là "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình". Sau Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007, có thể coi đây là một hành động cần thiết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, của toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng giá trị gia đình bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN