Vì sao bạo lực gia đình vẫn còn đất sống?

Dịch vụ trợ giúp thiếu và yếu


Chị P.T.U. (40 tuổi) quê ở Hà Nam là một trong số những nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ) đã mạnh dạn tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm, từ hội phụ nữ. “Chồng tôi bình thường hiền lành ít nói nhưng nhiều lần say rượu về chửi mắng vợ, đập phá nồi niêu và đồ đạc trong nhà. Hôm nào chồng say rượu về, cãi vã là tôi sang hàng xóm ngủ nhờ”.


Chị U. cho biết, ở quê chị, có nhiều chị em cũng bị chồng đánh đập, có cô phải nhập viện khâu 7, 8 mũi nhưng người thì vì ngại, người thì vì sợ chồng biết nên đa số không dám lên tiếng.


Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được thông qua vào tháng 11/2007 và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2008. Tuy nhiên, theo nhận định tại Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình diễn ra hôm qua (27/9), từ cấp cơ sở còn quá nhiều rào cản trong thực thi luật này.


 

Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn cam chịu mà không dám tố cáo.

Một số liệu đưa ra tại hội nghị khiến không ít người tham dự giật mình: Chỉ có khoảng 4,6% phụ nữ bị BLGĐ tìm đến sự trợ giúp từ các tổ chức, đoàn thể và chính quyền. Khi được hỏi, hầu hết những người đã không tìm đến các dịch vụ trợ giúp giải thích họ còn nghi ngờ tính hiệu quả của sự trợ giúp.


Và thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng Luật Phòng chống bạo lực gia đình còn gặp nhiều thách thức, trong đó dịch vụ trợ giúp cho người bị bạo lực chưa khiến các nạn nhân thật sự thấy yên tâm.


Theo bà Lê Thị Minh Thi, báo cáo viên của Đại học Y tế công cộng, việc cung cấp dịch vụ y tế cho nạn nhân BLGĐ còn chưa được thực hiện. Về nguyên tắc, các dịch vụ này cần phải được xây dựng theo cách tiếp cận về giới nhưng trong bối cảnh hiện tại của các dịch vụ y tế, việc thiết lập các dịch vụ dành riêng cho nạn nhân BLGĐ là khó khả thi.


Bà Lê Thị Minh Thi chia sẻ: “Có một nhà quản lý y tế đã phát biểu: Ở trường y, chúng tôi chưa được đào tạo để ứng phó với vấn đề BLGĐ. Nếu nạn nhân không nói ra là họ bị BLGĐ thì làm sao chúng tôi biết được. Bệnh viện không thể là nơi lánh nạn của họ. Chúng tôi cũng không đủ khả năng tư vấn...”.


Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thông thường, vai trò tư vấn này do tổ hòa giải ở địa phương đảm nhận. Thành phần gồm có: hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn, công an, tư pháp... Nhưng theo một khảo sát của mạng Giới và Phát triển cộng đồng tại Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, rất nhiều cán bộ hòa giải cho biết: Thiếu kỹ năng, chưa được phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ; thiếu kinh phí hoạt động...

 

Không thể tuyên truyền kiểu “đại trà”


Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới- gia đình- phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), hiện nay vẫn còn phổ biến tình trạng nạn nhân cam chịu không chịu “kêu cứu”.


Để thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống, cần phải nâng cao nhận thức cho chính những người trong cuộc song song với nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thực thi luật. “Nạn nhân kêu nhưng các cơ quan có trách nhiệm lảng tránh thì tình trạng của nạn nhân thường xấu đi. Như thế thì không bao giờ có thêm người nào dám tố cáo và nạn nhân lại tiếp tục cam chịu. Chỉ khi nào người bị BLGĐ cảm thấy nếu báo với cơ quan, chính quyền mà họ được an toàn thì người ta mới dám báo cáo. Cần tránh việc lặp lại chuyện: có trường hợp bên công an xã không vào cuộc can thiệp một vụ BLGĐ chỉ vì nạn nhân đó chưa có đơn trình báo”, luật sư Nguyễn Thị Ngân Giang (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định.


Luật sư cũng nhấn mạnh: Muốn tăng cường trách nhiệm, yêu cầu đầu tiên là việc tuyên truyền luật không thể chỉ là tuyên truyền đại trà trên phương tiện thông tin đại chúng mà phải đi sâu vào những khía cạnh cụ thể của luật, chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng đơn vị và đối với những người trực tiếp thực thi, phải đào tạo, tập huấn cho họ.


Bên cạnh việc tuyên truyền luật, điều quan trọng không kém là phải có biện pháp bảo vệ được nạn nhân. Theo bà Nguyễn Vân Anh, hiện mô hình các nhà tạm lánh ở các tỉnh chưa rộng rãi, chỉ phổ biến ở các tỉnh, thành phố lớn. Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có 7 ngôi nhà tạm lánh. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà tạm lánh cần phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp và nhân rộng ra nhiều địa phương hơn. Vì nếu chỉ tập trung ở một số thành phố lớn thì cơ hội tiếp cận những ngôi nhà này của phụ nữ nông thôn là rất ít.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN