Ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội cùng Tạp chí lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội) tổ chức Diễn đàn tạo sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm 11,86% dân số; trong đó có trên 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng dân số người cao tuổi). Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước (8,09%), tỷ lệ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40 – 45%.
Việt Nam hiện đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm nữa, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
Theo ông Trần Ngọc Diễm, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, tuy số người cao tuổi ngày càng tăng, nhưng hiện mới có 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công, Do đó, trên 50% người cao tuổi không có nguồn thu nhập tích lũy, vẫn phải lao động, kiếm sống.
Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số hiện nay.
Đề cập đến vấn đề chính sách kinh tế cho người cao tuổi, TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam cho biết: Thực trạng về hoạt động sinh kế của người cao tuổi theo nghiên cứu từ tháng 6-8/2020 tại 3 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương cho thấy, có khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập này; cần sớm có chính sách hỗ trợ tạo sinh kế và khởi nghiệp.
Tại diễn đàn, các chuyên gia góp ý về kế hoạch hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể và có sự ưu tiên như vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
“Người cao tuổi cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhà nước có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễm giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cchính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu”, TS Nguyễn Hải Hữu đề xuất.
Tuy nhiên, các chuyên gia về lao động và việc làm cũng cho rằng, Nhà nước cũng cần quy định chặt chẽ người trong độ tuổi lao động cần có tích lũy bắt buộc để có nguồn thu nhập khi về già. Trong đó, nền tảng là chính sách bảo hiểm xã hội cần linh hoạt để mọi người có thể tiếp cận.