HĐND TP Hồ Chí Minh đã nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo đó, mức hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh cho người bị cách ly và các lực lượng chống dịch được được thông qua cao hơn mức chung mà Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã đề xuất. Ngoài ra, còn áp dụng với cả trường hợp bị cách ly tại khu dân cư, nhưng không áp dụng với người cách ly tại nhà. Cụ thể, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung nhưng không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng chống dịch COVID-19: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Riêng nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch: mức hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế và điều trị bệnh COVID-19.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn hỗ trợ khẩu trang cho một số đối tượng như: học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích 22 quận/huyện trực tiếp tham gia chống dịch. Định mức hỗ trợ 3 khẩu trang/người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần), thời gian hỗ trợ 3 tháng.
Cùng với đó, HĐND TP Hồ Chí Minh cũng thông qua việc trang bị 10 xe ô tô chuyên dùng có áp lực âm cho Trung tâm Cấp cứu 115 phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, ngày 14/3/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã có Công văn số 903/UBND-KT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế có một số đối tượng rất khó khăn, không được Nhà nước hỗ trợ chính sách, cần có chính sách hỗ trợ từ thành phố. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Dự kiến, số lượng lao động được hỗ trợ là 600.000 người.
Như vậy, theo tính toán của thành phố, tổng kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 khoảng 2.753 tỷ đồng. Nguồn dự phòng ngân sách của thành phố hiện nay khoảng 3.500 tỷ đồng (gồm ngân sách cấp thành phố khoảng 2.964 tỷ đồng; ngân sách cấp quận huyện là 526 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã sử dụng khoảng 200 tỷ đồng, ước dự phòng ngân sách thành phố còn khoảng 2.764 tỷ đồng. Như vậy, có thể đảm bảo tương đối với điều kiện chi cao nhất trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, tại kỳ họp HĐND bất thường chiều 27/3, HĐND TP Hồ Chí Minh cũng thông qua 4 tờ trình khác, đó tờ trình về cho ý kiến đối với danh mục và mức vốn bố trí cho các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương cấp phát, nguồn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2020; Tờ trình về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Thành phố; tờ trình về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực y tế; tờ trình về ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại TP Hồ Chí Minh (Tờ trình này thay thế Tờ trình số 902/TTr-UBND ngày 14/3//2020 của UBND TP Hồ Chí Minh).