Nhật Bản yêu cầu du khách đến từ Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi tự cách ly

Ngày 26/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này bắt đầu yêu cầu công dân nước này và các du khách nước ngoài đến từ một số nước ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi phải tự cách ly trong 14 ngày trong bối cảnh Nhật Bản đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các du khách đến từ 7 nước ở Đông Nam Á, 4 nước ở Trung Đông và châu Phi hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tại nước này. 

Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp tương tự đối với du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, phần lớn các nước châu Âu và Mỹ. 

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã hạ cấp đánh giá về nền kinh tế của nước này, cho rằng kinh tế rơi vào "tình trạng nghiêm trọng" trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành trong nước và trên toàn thế giới.

Trong báo cáo cho tháng 3/2020, Văn phòng Nội các Nhật Bản lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua đã không sử dụng cụm từ "phục hồi" để mô tả tình hình kinh tế trong nước. Bản báo cáo nhấn mạnh: "Nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, suy giảm mạnh vì dịch COVID-19", trong khi điều chỉnh lại quan điểm của chính phủ về 7 trong số 11 danh mục chính, bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư kinh doanh.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản lưu ý rằng tốc độ và tác động của sự suy giảm kinh tế lần này gần như ngang bằng mức độ suy giảm thảm họa động đất và sóng thần khủng khiếp hồi năm 2011 ở miền Đông Bắc nước này, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra.

Báo cáo dự đoán tình hình vẫn nghiêm trọng trong thời gian tới, đồng thời cảnh báo về nguy cơ suy giảm hơn nữa của nền kinh tế trong nước và trên thế giới do sự thay đổi thất thường trên thị trường tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, các chính quyền thành phố Namangan và Andijan của Uzbekistan thông báo đã tiến hành phong tỏa hai thành phố này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Trước đó, thủ đô Tashkent cũng đã bị phong tỏa. Uzbekistan đã ghi nhận 65 ca mắc bệnh COVID-19, với một số ca được xác nhận ở thung lũng Fergana đông dân cư. Hai thành phố trên nằm tại thung lũng này.  Ngày 26/3, nhiều nước ở châu Á tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tính đến trưa 26/3, Malaysia ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19 nâng tổng số người qua đời vì dịch bệnh tại nước này lên 23. Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, tính đến thời điểm nói trên, nước này đã phát hiện thêm 235 ca mắc COVID-19 mới, và như vậy, tổng số ca mắc bệnh đã lên đến 2.031 người. Trong số đó có 60 trường hợp có liên quan đến sự kiện tôn giáo có 16.000 người tham gia hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Còn tại Indonesia, nước này đã ghi nhận thêm 103 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên 893 người và số ca tử vong cũng tăng thêm 20 người, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 lên 78. 

Trong khi đó, Mông Cổ ghi nhận 1 ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 11 ca.

Minh Châu - Hoàng Nhương (TTXVN)
Nhật Bản cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng nhưng chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Nhật Bản cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng nhưng chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 26/3, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cảnh báo nguy cơ cao virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan rộng ở nước này, song cho biết Chính phủ chưa nghĩ đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN