Các đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội nghị. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc chi thu nhập tăng thêm phải đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả công việc, không "cào bằng" nhưng đảm bảo dân chủ, công bằng. Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/3.
Phân tích cụ thể về sự cần thiết của đề án, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, năng suất lao động của Thành phố Hồ Chí Minh gấp 2,7 lần năng suất bình quân cả nước. Năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước thành phố gấp 1,5 lần cả nước. Trong khi đó, thu nhập hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức thành phố được thực hiện theo quy định chung cho cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động bình quân thực tế của thành phố và chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt tại đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh. Đề án nhằm đảm bảo thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với năng suất lao động thực tế và mức chi phí sinh hoạt tại thành phố.
Theo đó, Đề án dành cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn của thành phố được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình sau: Năm 2018 tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa là 1,2 lần; năm 2020 tối đa là 1,8 lần. Việc thực hiện đề án đảm bảo nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc" và "không cào bằng". Thời gian thực hiện đề án dự kiến từ ngày 1/4/2018 đến 31/12/2020.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề quan trọng nhất khi triển khai thực hiện đề án này là phải tránh tình trạng "cào bằng", nhưng phải đảm bảo công bằng. Muốn như vậy phải chú trọng vấn đề đánh giá cán bộ; trong đó phải xây dựng tiêu chí, định lượng, lượng hóa để tránh bình bầu "cảm tính"; nên có thêm đề án đánh giá cán bộ công chức, viên chức kèm theo đề án này. Đồng tình với các nội dung cũng như lộ trình thực hiện đề án chi thu nhập tăng thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng mong muốn thành phố sẽ áp dụng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cao nhất 1,8 lần trong thời gian sớm nhất, có thể là ngay từ năm 2019 nếu đủ điều kiện.
Cũng nhấn mạnh tới việc chi trả thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc, tránh "cào bằng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tạo ra sự cạnh tranh, thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, tăng thu nhập phải dựa trên hiệu quả công việc...
Trao đổi tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng cùng với khung tiêu chí đánh giá chung về mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị sẽ tự xây dựng một bộ tiêu chí riêng để phù hợp với đặc thù công việc tại cơ quan, đơn vị. Ý kiến của các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề đa dạng thêm nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm. Bên cạnh nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành, nên khuyến khích các cơ quan, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận hành bộ máy; kinh phí từ việc thực hiện tinh giản biên chế để chuyển sang tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức.