Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Phát huy cơ chế đặc thù ngay đầu năm 2018

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện những thách thức mới của Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua ngày 24/11, đó là TP Hồ Chí Minh sẽ không được “cho tiền” như các tỉnh thành khác. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho TP Hồ Chí Minh phát huy năng lực của mình.

Để có thể hiểu rõ hơn những giải pháp mà TP Hồ Chí Minh phải thực hiện trong năm 2018, phóng viên TTXVN đã có buổi trò chuyện và trao đổi với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân  nhân dịp Tết Nguyên đán 2018. 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Thưa đồng chí Bí thư, năm 2017 được đánh giá là năm thành công và đạt được nhiều thành tựu của Thành phố, theo đồng chí thì những thành công đó được thể hiện ở những lĩnh vực nào?


Cùng với cả nước, năm 2017 là năm Thành phố cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước.


Trước hết, phải khẳng định TP Hồ Chí Minh tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, một đầu tàu của nền kinh tế với mức tăng trưởng 8,25%, góp phần tỷ trọng đóng góp kinh tế của Thành phố với cả nước vẫn giữ vững gần 22%.


Đóng góp thứ 2 là thu ngân sách trong năm 2017. Mặc dù chỉ tiêu giao là khá nặng, hơn 347.000 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi ngày, không kể chủ nhật thì Thành phố có trách nhiệm đóng góp ngân sách chung của cả nước là 1.000 tỷ đồng và kết thúc năm, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu này. Điều này rất có ý nghĩa cho sự phát triển của cả nước và của Thành phố.


Đóng góp thứ 3 là thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,3 tỷ USD, như vậy tăng hơn 85% so với 2016, đây là kết quả rất đáng khích lệ. Bên cạnh đó, các hoạt động về văn hóa – xã hội tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng.


Đây được xem là kết quả "đầu ra" của Thành phố và cũng là những thành tựu nổi bật trong năm 2017.


Với góc độ là quản lý Thành phố, chúng ta cũng đã tạo được những đổi mới về "đầu vào" rất quan trọng, mà những đổi mới này phải phát huy tác dụng cho năm 2018 và sau này.


Đổi mới đầu vào thứ nhất là chúng ta đã quan tâm tìm cơ chế tạo vốn cho Thành phố. Nhóm giải pháp đầu vào thứ 2 là cơ chế phát triển mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017.


Nghị quyết 54 không cho Thành phố tiền nhưng cho Thành phố cách làm để chúng ta sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Và khi có kết quả tốt hơn, chúng ta có điều kiện để đầu tư cũng như là chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn. Đây là đổi mới thể chế đầu vào.


Đổi mới thứ 3, đó là năm vừa qua, chúng ta đã công bố đề án Đô thị thông minh. Bằng đề án Đô thị thông minh, chúng ta có nhiều khả năng về quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo cũng như lường trước mọi vấn đề, đồng thời ngăn chặn bớt việc phải “giật mình” về phát triển thành phố.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ trao đổi với các đại biểu tại sự kiện Công bố "Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đổi mới thứ 4 liên quan thể chế, là chúng ta có Quyết định 1374 về xử lý thông tin do nhân dân phản ánh, liên quan đến tập thể hoặc cá nhân có những biểu hiện vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm về luật pháp cũng như quy định của Đảng.


Có 4 cơ quan tiếp thu ý kiến người dân, đó là chính quyền các cấp, đó là Mặt trận, đó là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cấp ủy. Bốn nguồn thông tin phản ánh, đó là thông tin từ báo chí, thông tin từ tiếp xúc cử tri, thông tin từ khiếu nại, tố cáo người dân và thông tin giám sát từ Mặt trận, Hội đồng nhân dân.


Đây là lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh có một quy định về ý kiến người dân thông qua 4 kênh và có 4 cơ quan tiếp thu, xử lý.


Có thể nói trong năm 2017, bên cạnh những thành tựu kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh thì chúng ta có 4 nội dung hoàn thiện thể chế và cơ chế hoạt động của Thành phố và tôi thấy rất có ý nghĩa.


Thưa đồng chí Bí thư, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 được đánh giá là một trong những sự kiện tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh trong năm 2017, vậy Thành phố sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2018?


Trước khi Nghị quyết 54 có hiệu lực vào ngày 15/1, chúng ta đã có 3 nhóm Nghị quyết của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Trên cơ sở đó, trong năm 2018 này, chúng ta sẽ chuẩn bị thông qua một số các nhóm giải pháp như sau:


Thứ nhất là vấn đề thực hiện ủy quyền và phân cấp được Quốc hội dành cho TP Hồ Chí Minh. Mà việc ủy quyền và phân cấp không tốn tiền nên phải làm sớm, trên cơ sở Thành phố đã chuẩn bị vừa qua thì trong tháng 3 này có thể trình Hội đồng nhân dân.


Thứ 2 là liên quan đến việc chúng ta phải quản lý các doanh nghiệp nhà nước theo mô hình gì. Cái này từ Nghị quyết Trung ương phải làm, vì vậy chúng ta đang chuẩn bị để tháng 4 có thể thông qua đề án này.


Thứ 3 là sắp xếp lại tên gọi một số đơn vị trực thuộc các sở, ngành thành phố, phù hợp với điều kiện thành phố là dân số rất lớn, kinh tế nhiều thành phần. Như vậy, dự kiến tháng 5 sẽ trình đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc các sở, ngành của thành phố.


Một vấn đề mà lãnh đạo và nhân dân quan tâm là sắp xếp lại các Ban quản lý của Thành phố cũng như quận, huyện, đó là thu hẹp lại số ban, điều chỉnh lại tên phù hợp. Như vậy, chúng ta sẽ chuẩn bị để tháng 4 có thể hoàn chỉnh đề án này.


Một nội dung nữa là liên quan đến tài chính. Đó là Nghị quyết 54 cho phép trên cơ sở tăng năng suất hiệu quả hoạch định của Thành phố và tiết kiệm để có thể tăng thu nhập cho các cán bộ, công viên chức với mức tăng bình quân tối đa không quá thêm 1,8 lần.


Như vậy, chúng ta có 5 năm thực hiện và năm nay sẽ xây dựng đề án, dự kiến tháng 3 trình Hội đồng nhân dân. Chúng ta có lộ trình là từ đây đến năm 2020 sẽ làm việc gì lớn và riêng năm 2018 sẽ thông qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân như vậy.


Với tinh thần đó, chúng tôi tin rằng TP Hồ Chí Minh sẽ thấy được trách nhiệm trước Quốc hội và cả nước để phát huy được cơ chế đặc thù, để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, qua đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.


Thưa đồng chí Bí thư, từ Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng bộ Thành phố cho đến Nghị quyết 54 thì Thành phố sẽ đề ra những kế hoạch như thế nào để tập trung triển khai phát triển Thành phố trong năm 2018?


Có thể nói, năm 2018 là năm bản lề đối với thành phố và cả nước, năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, song song với việc rà soát 7 chương trình Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 thông qua, đánh giá tiến độ và đề xuất 7 giải pháp phù hợp với cơ chế mới, chúng ta có bổ sung một số giải pháp mới.


Giải pháp thứ nhất mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 chưa có chính là Nghị quyết 54 của Quốc Hội, điều chỉnh cách vận hành Thành phố.


Giải pháp thứ 2 mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 cũng chưa có đó là Đô thị thông minh, tập trung triển khai đề án này.


Và nhóm giải pháp thứ 3, đó là song song đẩy mạnh với khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh tích hợp 3 quận với dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.


Cụ thể, quận 9 – đặc trưng nổi bật là khu công nghệ cao, quận 2 – khu đô thị mới và trung tâm tài chính sẽ hình thành, quận Thủ Đức với 12 trường Đại học, trên 1.500 tiến sĩ là giảng viên và trên 70.000 sinh viên.


Xin cảm ơn đồng chí Bí thư!


Hữu Duyên - Hải Yên/Báo Tin tức thực hiện
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc Tết cơ sở Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc Tết cơ sở Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm

Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngày 9/2 (tức 24 tháng Chạp), Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu, đã đến thăm, tặng quà, chúc Tết cơ sở Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (Quận 2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN