Thực thi Luật An toàn thực phẩm chưa nghiêm

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nóng bỏng thời gian qua sẽ không thể hết nóng nếu không có những giải pháp căn cơ. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về vấn đề này.

 

Theo ông, tại sao vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được nhắc đi nhắc lại, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra mà vẫn xảy ra những vụ việc thực phẩm chứa hóa chất độc hại như vừa qua?


Đúng như vậy, những năm gần đây, lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) đã được cơ quan chức năng quan tâm, chú ý hơn, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền pháp luật, điều tra, phát hiện, cảnh báo. Tuy nhiên, ATTP vẫn là một vấn đề “nóng”, bởi những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn.


Khái niệm “đạo đức kinh doanh” đang bị một bộ phận những người kinh doanh buôn bán xem nhẹ. Để kiếm lời bằng mọi giá, họ đang tâm “đầu độc” chính khách hàng của mình. Nếu cái ác không bị ngăn chặn, đẩy lùi, cứ lấn dần cái thiện thì đến ngày nào đó, chính họ cũng sẽ trở thành nạn nhân.


 

Hóa chất thực phẩm bày bán tràn lan trên phố Hàng Buồm, Hà Nội.

 

Ngoài ra, tôi cho rằng, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nhà nước đã ban hành hệ thống luật pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng khá đồng bộ. Trong đó, phải kể đến hai luật: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ATTP. Cả hai luật này tuy thời điểm ra đời khác nhau, nhưng lại có cùng thời điểm hiệu lực. Thực thi tốt hai luật này thì tình hình ATTP sẽ được cải thiện đáng kể.


Mặt khác, trong khi, nhiều doanh nghiệp đã đi theo con đường phát triển bền vững bằng việc xây dựng thương hiệu, xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, thì lối làm ăn theo kiểu “chộp giật” của những người kinh doanh nhỏ vẫn còn, đây là một thách thức với các cơ quan quản lý.

 

Theo ông thì cần có giải pháp gì cho vấn đề này?


Để hạn chế đến mức thấp nhất việc người tiêu dùng bị “đầu độc” bởi thực phẩm có hóa chất độc hại, theo tôi, cần phải có giải pháp đồng bộ, cụ thể. Theo đó, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh cần được thắt chặt hơn. Công tác kiểm tra, kiểm soát cần làm tận gốc và thường xuyên; khi phát hiện cần xử lý nghiêm. Người sản xuất, kinh doanh cần có hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, trước hết về lĩnh vực hoạt động của mình. Về phía người tiêu dùng, cần sáng suốt, thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm. Chỉ nên mua những hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Xin cảm ơn ông!


Hoàng Dương (thực hiện)

Hà Giang: 22 em học sinh tiểu học ngộ độc thực phẩm đã xuất viện
Hà Giang: 22 em học sinh tiểu học ngộ độc thực phẩm đã xuất viện

Bác sĩ Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Giang cho biết: Sáng 17/8, 22 em học sinh trường Tiểu học bán trú xã Bản Ngò (huyện Xín Mần - Hà Giang) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm đã được ra viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN