Nguy cơ thực phẩm bẩn

Dù đã được cảnh báo, nhưng dư luận không khỏi bàng hoàng khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố kết quả kiểm tra phát hiện nhiều mẫu hóa chất cực độc trong các sản phẩm bún tươi, bánh canh, bánh phở, chả lụa, chả cá, nem nướng... Cụ thể, có mẫu chứa chất tẩy trắng quang học Tinopal; thậm chí có mẫu (bánh phở) chứa cả acid oxalic, một loại hóa chất công nghiệp cực độc.

 

Những bê bối từ thực phẩm bẩn đang làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng. Ai cũng hiểu rằng, thực phẩm độc hại không chỉ đe dọa tới sức khỏe hiện tại của người tiêu dùng, mà còn tới cả chất lượng giống nòi. Câu hỏi đặt ra và rất cần có sự giải đáp là ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng thực phẩm độc hại trôi nổi trên thị trường?


Chuyện thực phẩm độc hại bị phát hiện và gây kinh hoàng dư luận không còn là hiếm gặp. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân và 100 - 200 ca tử vong. Đó mới chỉ là phần nổi, bởi khó có thể tính số người bị ảnh hưởng sức khỏe do tình trạng mất an toàn thực phẩm gây ra. Cách đây chưa lâu, người tiêu dùng thót tim khi cơ quan chức năng phát hiện một vài cơ sở sử dụng formol chế biến bánh phở, rồi vụ nước tương chứa 3 - MCPD; trái cây ngâm thuốc bảo quản, rau xanh phun hóa chất, sữa nhiễm khuẩn độc... Dù đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng thực phẩm bẩn không những không giảm mà còn tràn lan với mức độ thật đa dạng. Có ý kiến đổ lỗi cho sự thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Cũng có ý kiến là do năng lực quản lý hạn chế, luật lệ bất cập, tiêu cực...


Có thể thấy bất cập lớn nhất là công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa theo kịp với thực tế. Cơ quan quản lý vẫn còn “thụ động” trong kiểm soát thực phẩm độc hại. Hơn thế, các quy định của Luật An toàn thực phẩm cũng chưa thật chặt chẽ. Đơn cử, Điều 61 khẳng định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các Điều 63, 64 lại quy định phải có sự tham gia của các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, do vậy tạo ra sự chồng chéo trong công tác quản lý và khi để xảy ra sai phạm không ai phải chịu trách nhiệm cả. Bên cạnh đó, có không ít cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ, nhưng vì lợi ích cục bộ mà chỉ làm chiếu lệ, làm cho có. Đây là một trong những lỗ hổng cần phải kiên quyết bịt lại thì mới hy vọng ngăn chặn được thực phẩm bẩn.


Người dân vẫn thấy có các đợt ra quân, những chuyến vi hành của lãnh đạo ngành này, bộ kia để kiểm tra an toàn thực phẩm. Dù có phát hiện vài ba cơ sở vi phạm, một cơ số thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn được tiêu hủy, nhưng kết quả đạt được chỉ nhất thời, chứ không thể giải quyết được tận gốc. Đó chỉ là những vụ việc được phát hiện, còn bao nhiêu vụ việc như vậy, bao nhiều tấn sản phẩm mất an toàn đi vào bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình?


Trong khi chờ các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ, người tiêu dùng vẫn thấp thỏm lo âu, bởi khi đủ loại thực phẩm bẩn bủa vây, họ đâu có quyền lựa chọn.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN