Những năm qua, công cuộc cơ giới hóa ngành nông nghiệp đối mặt rất nhiều khó khăn.Thiếu vốn
Đa số diện tích sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn manh mún nhỏ lẻ, nông hộ có diện tích dưới 1ha vẫn còn khá nhiều tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tích lũy nông hộ thấp, không đủ sức để đầu tư máy móc thiết bị, khiến một vài năm trước đây, máy ngoại nhập chất lượng kém, giá rẻ hoặc máy đã qua sử dụng, đã đổ bộ tràn lan vào ĐBSCL.
Nông dân tuốt hạt ngô bằng máy. |
Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm tổn thất trong nông nghiệp, đã giúp hàng ngàn nông hộ thay thế máy hư, cũ, máy tự chế, bằng những thiết bị máy móc hiện đại và hiệu quả, thay đổi bộ mặt nông nghiệp ĐBSCL trong sản xuất chế biến lúa gạo. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, thủ tục vẫn chưa thông thoáng, điều kiện vay mượn còn khắt khe, nên nông dân, các nhóm dịch vụ và hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh vì không có tài sản thế chấp do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất hoặc giá trị tài sản thế chấp thấp nên số tiền được vay rất thấp, không đáp ứng nhu cầu vay vốn, cần có sự bảo lãnh vay vốn hoặc tín chấp của ngân hàng. Đa phần các chủ trang trại hay hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn không có khả năng lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh dẫn đến khó khăn trong việc lập hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ nhìn nhận: “Việc thực hiện cơ chế vay vốn này của ngân hàng vẫn theo quy chế của ngân hàng thương mại nên đòi hỏi quy trình thủ tục như vay thương mại như thế chấp. Đây là hạn chế rất lớn để người dân, hợp tác xã có thể tiếp cận”.
Các công ty xuyên quốc gia đã áp dụng những sáng kiến của các xưởng cơ khí nhỏ ở ĐBSCL để thích nghi hơn thiết bị của họ đối với đồng lúa Nam Bộ và đã chiếm lĩnh thị trường máy gặt đập liên hợp trong cuộc cạnh tranh không tương xứng.
Tạo bước đột phá Để chủ động phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, rõ ràng ĐBSCL cần phải phát triển ngành cơ khí, tự trang bị công cụ sản xuất cho chính mình bằng việc có những chính sách để giúp cho các cơ sở cơ khí nông nghiệp ở ĐBSCL có khả năng triển khai sản xuất hàng loạt những sản phẩm sáng tạo của với giá thành thấp hơn.
Người dân ngại chuyển đổi cây trồng vì thiếu máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. |
Từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân đã sáng chế ra các loại máy đơn giản, hiệu quả như chiếc máy tỉa bắp 6 chức năng của ông Hoàng Thanh Liêm, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, chiếc máy này lại rất khó để chuyển giao công nghệ và đưa vào sản xuất với số lượng lớn. “Cơ sở phải có vốn đầu tư cả dây chuyền sản xuất, sau đó mình tiến hành chuyển giao sản xuất đại trà thì giá mới thấp. Hiện tại cơ sở vẫn còn khó khăn, nên nhiều bà con ở xa đặt hàng, sản phẩm thì mình thực hiện được, nhưng mình không có điều kiện vận chuyển cho bà con”, ông Liêm trần tình.
Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư hoàn chỉnh việc nâng cấp hạ tầng cơ sở sản xuất nông nghiệp thì mới có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, chi phí, hạ giá thành, tăng tích lũy cho nông dân. “Mặt bằng đồng ruộng, hệ thống kênh tưới tiêu nội đồng phải hoàn chỉnh, mặt bằng tốt không phải sạ dày để trừ hao, như vậy giảm được phân thuốc. Kênh mương tưới tiêu chủ động thì mới áp dụng được các biện pháp tưới tiết kiệm nước, giảm chi phí bốc vác mang phân bón ra nội đồng. Hệ thống thủy lợi tốt, người ta vận chuyển ra ruộng đồng bằng thuyền nhỏ có thể đi tới những vùng sâu xa. Việc hoàn chỉnh nâng cấp cơ sở hạ tầng là việc làm lâu dài đòi hỏi có sự tham gia của dân và nhà nước, nhất là đang thực hiện chương trình nông thôn mới”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết.
Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhận thức rõ hiện đại hóa khâu thu hoạch lúa là một khâu không thể thiếu trong quy trình sản xuất lớn, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị lúa gạo… để các thành phần kinh tế hiểu được lợi ích của khâu này, mạnh dạn đầu tư vốn mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa. Tuy nhiên, ngành ngân hàng có giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời áp dụng lãi suất ưu đãi để vốn đến tay người vay trong thời gian ngắn nhất và hợp với khả năng hoàn trả nợ của nông dân.
Bài và ảnh: Đức Anh