Kỹ sư “chân đất" sáng chế máy

Họ là những nông dân “chân lấm tay bùn”, nhưng trước yêu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết giảm công lao động, họ đã mày mò sáng chế, cải tiến và thử nghiệm những máy móc phù hợp với việc sản xuất của mình.

Tưới vườn bằng…điện thoại

Trước đây mỗi lần tưới vườn quýt, anh Nguyễn Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) phải chạy tới máy bơm đóng cầu dao điện, chạy tới đường ống mở van, sau đó kéo ống nước để tưới. Các công đoạn tưới rất bất tiện, tốn nhiều chi phí và công sức. Chính vì thế, anh đã mày mò và phát minh ra hệ thống kích tưới tự động bằng một… cú gọi điện thoại. Giờ đây chỉ cần ngồi một chỗ, anh có thể tưới 5.000 m2 đất trồng quýt đường của mình bất cứ lúc nào.

Anh Thạnh thao tác hệ thống tưới cây kích hoạt bằng điện thoại di động.



Chỉ học hết lớp 9 và từng có thời gian đi thu tiền điện, được tiếp xúc và biết chút ít về mạch, anh bắt tay vào tìm tòi, học hỏi trên sách, trên mạng internet để tìm cách sáng chế ra thiết bị. Những mô tơ điện đã qua sử dụng, các linh kiện mạch điện tử tưởng chừng bỏ đi nhưng qua sáng tạo của anh trở thành thiết bị hữu ích phục vụ cho quá trình canh tác.

Anh Thạnh cho biết, do không chuyên nên anh suy nghĩ đến đâu là làm đến đó rồi khắc phục những nhược điểm, phải mất hơn 4 tháng để hoàn thành hệ thống. Ý tưởng đầu tiên của anh là sử dụng điều khiển đồ chơi (remote điều khiển) nhưng có nhược điểm là phạm vi điều khiển ngắn, chưa thật sự tiện lợi và phải cần nhiều cái điều khiển khác nhau cho từng khu vực. Từ thực tế đó, anh Thạnh nảy ra ý tưởng sử dụng sóng điện thoại để điều khiển. Anh tích hợp sim số trên bộ điều khiển để thực hiện chức năng tắt (mở) hệ thống. Theo đó, khi dùng bất kỳ điện thoại nào gọi đến số tích hợp sẵn trên bộ điều khiển, nó sẽ kích hoạt đóng điện để mô tơ vận hành bơm nước tưới hoặc ngắt điện khi gọi lại lần nữa.

Sáng chế của anh có thể điều khiển hệ thống tưới ở bất kỳ nơi nào miễn là có sóng điện thoại. Cả vườn quýt được anh đầu tư đường ống nước tưới theo hình sin, cao ở 2 đầu, thấp ở giữa để dễ kiểm soát lượng nước tưới ra. Chỉ mất hơn 15 triệu đồng cho hệ thống ống tưới và điều khiển bằng điện thoại, giờ đây anh Thạnh giảm được công sức hơn trước rất nhiều, lại chủ động thời gian và có thể điều khiển hệ thống bất cứ lúc nào. Đặc biệt hơn, ngoài nhiệm vụ tưới nước, chiếc máy của anh Thạnh sáng chế còn có thể tự động pha thuốc bảo vệ thực vật để phun.

Chỉ cần mở nắp chai, đặt dưới các đường ống dẫn và điều chỉnh lượng thuốc, hệ thống sẽ tự động bơm thuốc nguyên chất vào bể chứa để pha và trộn hỗn hợp thuốc với nước, giúp hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật. “Trước đây phải cần ít nhất hai người để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây (một người điều khiển máy kiêm pha thuốc, một người đứng phun thuốc), giờ đây chỉ cần một người có thể tự phun thuốc, điều khiển hệ thống tắt, mở thông qua điện thoại di động. Bên cạnh đó, khi có sự cố như vỡ ống dẫn phun thuốc, có thể thao tác tắt máy ngay, tránh gây lãng phí thuốc”, anh Thạnh cho biết.

Nhiều sáng chế mang lại hiệu quả lớn

Tại Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại ĐBSCL năm 2013, chiếc máy vét bùn của nông dân Cao Văn Tám (ngụ tại ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) chế tạo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quan khách. Sản phẩm này đã đoạt giải Ba “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật” năm 2011 do Liên đoàn lao động thành phố Cần Thơ tổ chức. Điều đáng nói, tuy chỉ học hết lớp 2 nhưng bằng niềm đam mê, ông Tám đã sáng chế ra chiếc máy độc đáo này.

Chiếc máy vét bùn rãnh nước ruộng được ông Tám cải tiến từ dàn máy xới tay chạy bằng đầu máy Honda với thành phần của máy chủ yếu bao gồm: Hộp số, động cơ, đầu hút, bánh dẫn sau, bánh bội. Chiếc máy được chế tạo không quá cồng kềnh lại dễ điều khiển, khả năng vét rãnh đường nước rộng từ 2,5 đến 3 tấc, khoan sâu đến 5 tấc. Tùy theo từng loại đất canh tác, máy có thể hoạt động với công suất từ 400-600 m/giờ, hiệu quả gấp 10 lần nhân công làm việc bằng tay.

Còn nhắc đến ông Tư Sang (ở Khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhiều nông dân đều “gắn” với hình ảnh chiếc máy gặt đập liên hợp mang tên ông. Theo ông, công việc bắt đầu từ năm 1996 khi ông bắt đầu nghĩ đến việc sáng chế ra một loại máy nông cụ mà nó có thể vừa cắt vừa tuốt và vừa làm cho lúa sạch... dù loại máy này ở nước ngoài vẫn có nhưng không thích hợp sử dụng trên cánh đồng ở miền Nam.

Sau gần 10 năm nghiên cứu, đến năm 2006, ông cho ra đời máy gặt đập liên hợp. Máy gặt đập do ông Tư Sang sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn, có khả năng thu hoạch mỗi ngày từ 4-5 ha lúa. Tính ra, loại máy này thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động. Những năm qua, chiếc máy của ông Tư Sang tiếp tục được cải tiến ngày càng tốt hơn. Trong các hội thi máy gặt đập liên hợp từ năm 2009, 2010, 2011… chiếc máy của ông đều đoạt được giải cao, vượt qua các đơn vị máy nước ngoài do Trung Quốc, Hàn Quốc sản xuất. Hiện nay, giá cho một chiếc máy gặt đập liên hợp của ông chỉ vào khoảng 300 - 400 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn máy nhập khẩu.

Không chỉ có ông Tám hay ông Tư Sang, còn rất nhiều những nông dân đã tìm tòi, sáng tạo ra những chiếc máy phục vụ cho ngành nông nghiệp phù hợp với đặc trưng của vùng ĐBSC, chẳng hạn như máy phun thuốc tự động, máy cấy lúa theo hàng, máy xới đất cầm tay… đã góp phần “gánh vác” bớt những nhọc nhằn cho bà con nông dân.

Bài và ảnh: Phúc Hậu - Anh Đức

Thủ tục vay vốn cần thông thoáng hơn
Thủ tục vay vốn cần thông thoáng hơn

Tích lũy nông hộ thấp, không đủ sức để đầu tư máy móc thiết bị, khiến một vài năm trước đây, máy ngoại nhập chất lượng kém, giá rẻ hoặc máy đã qua sử dụng, đã đổ bộ tràn lan vào ĐBSCL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN