Với sự hỗ trợ của máy móc cơ giới, sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước thoát khỏi hình thức sản xuất thủ công, lạc hậu, tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn bộc lộ nhiều bất cập.
Chưa đồng bộNhững năm gần đây, cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước phát triển vượt bậc, máy móc nông cụ đã dần thay thế sức người ở tất cả các khâu.
Tuy nhiên, CGH nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân, vùng chuyên canh nông sản lớn nhất cả nước. Nhiều năm sau khi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, nay là Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm tổn thất trong nông nghiệp ra đời, thì thất thoát sau thu tại ĐBSCL vẫn lớn hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Hội thi máy gặt đập liên hợp của các đơn vị sản xuất trong nước tại ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
|
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, khâu gieo sạ hiện nay chủ yếu là bán cơ giới và chỉ chiếm khoảng 15% so với nhu cầu nhưng đây lại là khâu khá quan trọng trong quyết định năng suất và chiếm nhiều lao động. Khâu tiếp theo là làm cỏ, bón phân cũng chỉ đáp ứng khoảng 15%.
Về khâu sấy lúa, là công đoạn còn nhiều vướng mắc và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hạt gạo. Mặc dù hiện nay, 90% thiết bị trong các nhà máy xay xát đã được nội địa hóa. Như tại thành phố Cần Thơ có trên 1.200 cơ sở sấy, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân khi vào thu hoạch rộ, đặc biệt là vụ hè thu, mưa nhiều, lúa ẩm, nhưng lò sấy thủ công vẫn chiếm đa số. Nguyên nhân do chi phí đầu tư nhà máy sấy hiện đại quá cao so với nhiều doanh nghiệp và nông dân. Lò sấy thủ công hiện vẫn chưa đảm bảo được độ ẩm của gạo theo quy định và tỷ lệ tổn thất cao.
Theo Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), hiện tổn thất trong khâu thu hoạch lúa tại vùng ĐBSCL, chiếm tới 13,7% sản lượng lúa làm ra mỗi năm, tương đương 3,4 triệu tấn, trị giá hơn 12.500 tỷ đồng. Tổn thất nhiều nhất diễn ra trong khâu thu hoạch, sấy và bảo quản. Hiện khâu gặt lúa bằng máy tại vùng này chỉ chiếm từ 60 - 65% sản lượng lúa trong năm, sấy lúa bằng máy đạt 47%, bảo quản đúng kỹ thuật đạt từ 15 - 20%. Nguyên nhân chính do thiếu máy gặt đập liên hợp, máy sấy và hệ thống kho chứa lúa. |
Những năm qua, việc sử dụng máy sấy “tĩnh vĩ ngang” đã tăng năng lực làm khô lúa vào vụ hè thu của ĐBSCL đạt mức từ 40 - 50%, có nơi tỷ lệ sấy cao lên đến 70%. Nhưng theo các chuyên gia, tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn còn ở mức 13 - 14% về số lượng và hơn 12% về giá trị.
Mặt khác, các thiết bị trong các nhà kho chứa lúa cũng còn những vấn đề phải giải quyết, khi phần lớn các kho của các doanh nghiệp hiện mới đáp ứng thời gian tồn trữ khoảng 3 tháng. Điều này hạn chế khả năng làm chủ thị trường xuất khẩu, xuất bán gạo đúng lúc giá thế giới cao của doanh nghiệp. Hiện nay, theo thống kê, đạt chất lượng bảo quản sau thu hoạch trên 6 tháng chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng kho bảo quản ở ĐBSCL.
Năm 2014, Bộ NN&PTNT chủ trương chuyển 1.200 ha đất lúa sang các loại hoa màu, trong đó ưu tiên ngô và đậu nành. Định hướng rõ ràng nhưng vẫn khó khuyến khích nông dân, vì họ phải tính toán trên hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng. Nhất là khi việc CGH trong sản xuất các loại cây này còn nhiều bất cập. “Với màu thì khó khăn, một số nhà máy giới thiệu máy cơ khí nhưng chưa có máy nào hoàn chỉnh. Do vậy, tôi nghĩ cần có chính sách nghiên cứu chuyển giao công nghệ như thế nào để cho những nhà máy đó sản xuất tạo ra sản phẩm máy móc hoàn chỉnh. Vì từ trước đến nay, những nhà máy đó cũng mò mẫm, có khi làm ra sản phẩm được rồi nhưng bản vẽ để đăng kí chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật lại chưa ổn, máy này không giống máy kia thì không đáp ứng nhu cầu chất lượng hàng hóa”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết.
Đẩy nhanh CGH Thực tế, chính mô hình cánh đồng lớn chuyên canh lúa đang ngày càng cho thấy hiệu quả của hình thức sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, CGH sản xuất, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Đây cũng là hướng đi căn cơ với hoa màu và cây ăn trái, tiến tới phát triển bền vững chuỗi ngành hàng, từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Điều cần nhất lúc này là sớm tháo gỡ được những “nút thắt” trong chính sách phát triển ngành cơ khí nông nghiệp.
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới song hành cùng với mô hình sản xuất nói trên sẽ là nhân tố khuyến khích người nông dân phải liên kết lại với nhau trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc, đủ khả năng xây dựng nhà kho tồn trữ hiện đại, đạt chuẩn. Thế nhưng vấn đề nguồn nhân lực và vốn lại chính là “bước cản” lớn nhất, vai trò của các Viện nghiên cứu trong việc phối hợp, liên kết đào tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn và của doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ đầu tư chế tạo thiết bị cho CGH ruộng đồng là hết sức cần thiết. Nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai những chính sách, trong đó có chính sách về vốn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ nay đến năm 2017, ngành ngân hàng các tỉnh ĐBSCL đã và đang triển khai cho vay trên 2.800 tỷ đồng mua thêm 6.800 máy gặt đập liên hợp, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp toàn vùng lên 15.500 máy, bảo đảm cho 100% diện tích đất trồng lúa được thu hoạch bằng cơ giới.
Cùng với đó, 1.200 tỷ đồng tiếp tục cho nông dân vay mua 8.000 máy sấy lúa (công suất từ 20 - 40 tấn/mẻ), nâng tổng số máy sấy lúa trong vùng lên 18.000 chiếc, đủ năng lực sấy 100% lượng lúa hè thu và thu đông sản xuất trong năm, góp phần giảm thất thoát trong khâu phơi sấy từ 4,2% còn 1,2%. Nông dân sẽ thu thêm số tiền không nhỏ nhờ giảm thất thoát lúa 3%, tương đương 0,75 triệu tấn.
Các tỉnh tiếp tục nâng cấp, xây mới hệ thống kho chứa lúa gạo trong vùng, bảo đảm sức chứa được nâng lên gần 4 triệu tấn. Việc nâng cấp, xây mới hệ thống kho này nhằm bảo đảm dự trữ, lưu thông 10 triệu tấn lúa/năm ở ĐBSCL trong khoảng thời gian tối đa là 6 tháng.
Bài và ảnh: Anh Đức