Các ý kiến tâm huyết của những nhà nông, nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy niềm hi vọng cơ giới hóa trở thành “bệ phóng” cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL ngày càng phát triển bền vững. Ông Thái Văn Sừng, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ: Nhu cầu của nông dân rất lớnNhờ có hỗ trợ cho vay từ nguồn vốn theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi đã mạnh dạn mua một máy gặt đập liên hợp nhập khẩu, vừa thu hoạch diện tích lúa của gia đình vừa làm dịch vụ.
Đến nay gia đình tôi đã có tới 3 máy gặt đập. Tính ra chi phí thu hoạch bằng máy chỉ bằng 1/3 so với thủ công, chất lượng hạt thóc được đảm bảo, hiệu quả thấy rõ. Gia đình tôi và nhiều nông hộ khác thấy nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp của nông dân là rất lớn. Bởi hiện nay Nhà nước chủ trương sạ đồng loạt né rầy, dẫn đến lúa chín đồng loạt nên nhu cầu thu hoạch nhiều nhưng máy móc chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Nhiều nông dân thấy đầu tư máy gặt đập là quá khả năng, vì nhiều nông hộ có diện tích sản xuất rất ít, thu nhập không bao nhiêu nên rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng. Mà đâu phải ai cũng đủ điều kiện để được vay. Cho nên điều mà nông dân mong muốn là Nhà nước cần có chính sách linh động, nới lỏng điều kiện vay vốn, đồng thời có chính sách hỗ trợ để bà con nông dân có thể tiếp cận được sản phẩm máy móc có giá thành thấp hơn, chất lượng đảm bảo giúp bà con tăng thêm thu nhập từ nghề nông nghiệp.
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh: Nông dân tiếp cận nguồn vốn khó khănTín dụng cho nông nghiệp vẫn đối diện những khó khăn như lãi vay còn cao, điều kiện tiếp cận các khoản vay ngặt nghèo. Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng huy động vốn tại địa bàn nông thôn chỉ đạt 60 - 70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, nông thôn, còn muốn vay thêm phải sử dụng nguồn lực khác.
Chính phủ, ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt để dành nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng thanh khoản khá dồi dào, nhưng khó cho vay vì vướng cơ chế, doanh nghiệp và hộ vay bị kẹt tài sản bảo đảm ở ngân hàng do chưa tất toán nợ… Đối với lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, theo Quyết định 63, 65 của Chính phủ, nông dân mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì mới được ngân hàng cho vay. Nhưng do máy móc nội địa chất lượng không đảm bảo, nông dân không muốn vay để mua, nên dư nợ cho vay đối với hạng mục này của toàn hệ thống mới chỉ khoảng 500 tỷ đồng.
Nay được thay bằng Quyết định 68 nhưng việc cho vay đến nay vẫn còn nhiều lúng túng khâu thủ tục. Chính vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư vùng ĐBSCL nhằm giải quyết vấn đề hạ tầng cho phát triển. Tiếp tục có những chính sách ưu đãi đầu tư cho nông dân mua máy móc thiết bị, phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhà xưởng bảo quản chế biến nông sản… giúp nông dân giảm hao hụt, thất thoát sau thu hoạch. Phát triển công nghiệp chế biến trong vùng, nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông - thủy sản, thay vì xuất bán thô như thời gian qua do thiếu các cơ sở chế biến nông nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật cơ khí - Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ: Nhiều nông dân sử dụng máy móc lạc hậuNguồn động lực trang bị cho cơ giới hóa nông nghiệp cần trang bị các loại máy mới, để làm giảm chi phí nhiên liệu trong quá trình sử dụng. Hiện nay còn nhiều nông dân vẫn sử dụng máy quá cũ, máy đã qua sử dụng của các nước. Các loại máy này độ tin cậy trong sử dụng không cao hay hư hỏng, trong quá trình sử dụng làm ô nhiễm môi trường do dầu, nhớt rơi ra ngoài máy và chi phí nhiên liệu tăng từ 0,5 - 1 lít nhiên liệu/ha. Hiện nay sử dụng máy cũ để làm đất tốn khoảng 2 triệu ha (1/2 diện tích lúa ĐBSCL), như vậy, mỗi năm ĐBSCL sẽ tốn tương đương 100 máy kéo 45 mã lực mới. Nếu số lượng máy cũ còn nhiều hơn thì mỗi năm sẽ mất nhiều hơn nữa.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: Đào tạo nguồn nhân lực Năng lực chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các sản phẩm máy móc của doanh nghiệp nước ngoài. Nguy cơ ngành cơ khí nông nghiệp sẽ không tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo tôi, cần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, như có chính sách đào tạo giáo viên sư phạm thì mới vực dậy được. Đồng thời Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp cơ khí và thành lập Trung tâm cấp vùng để đào tạo lái máy kéo, máy cày. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải thành lập cơ quan kiểm định chất lượng máy nhập khẩu làm rào cản hạn chế việc nhập những máy móc nông nghiệp không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Nguyễn Thể Hà, Cty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ: Cần nhiều giải pháp đồng bộ Trong một nền kinh tế mà 70% dân cư sống ở nông thôn, 50% là lao động nông nghiệp thì để chủ động phát triển nông nghiệp một cách bền vững và trong đó có ĐBSCL phải tập trung phát triển ngành cơ khí công nghiệp. Bởi cạnh tranh với thế giới bằng việc giảm giá thành nâng năng suất, tăng chất lượng. Nên cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng quyết định trong các khâu canh tác, chế biến. Muốn làm được điều đó, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà máy cơ khí của vùng ĐBSCL bằng chính nguồn lực của mình và tranh thủ sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, chúng ta cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí nông nghiệp trong các lĩnh vực như: Vật liệu mới, kim loại nhiệt luyện, điều khiển thủy lực, tự động hóa phát triển các ngành nhựa, cao su làm phụ tùng máy nông nghiệp… Hợp lý hóa việc sử dụng máy nông nghiệp và chế biến nông sản trong toàn vùng và các khu vực để nông dân đầu tư máy nông nghiệp mới có lời. Bên cạnh đó, tính thích nghi của máy nông nghiệp trong canh tác, chế biến nông sản là rất quan trọng. Nhiều sáng kiến của nông dân đã làm ra những mẫu máy phù hợp với điều kiện sản xuất chế biến, chúng ta cần phải thương mại hóa những sáng kiến này.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Tiếp tục đẩy mạnh mô hình liên kết “4 nhà”Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có nhiều nội dung: cơ giới hóa sản xuất lúa, rau màu, cây trồng cạn (mía, bắp, khoai...), vườn cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, v.v.... Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong giai đoạn hội nhập, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch là nhu cầu bức thiết. Vì hiện nay thất thoát sau thu hoạch là rất lớn, từ 10 - 12% trong khi thế giới chỉ khoảng từ 5 - 6%. Như vậy thất thoát sau thu hoạch của mình gấp đôi so với thế giới. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống lò sấy, kho chứa... để thu mua, tạm trữ lúa, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ. Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.
Anh Đức ghi