Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Tại cuộc họp triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 (từ ngày 15/4 - 15/5) do UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 12/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo các sở, ngành, các quận, huyện tập trung hành động quyết liệt, tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Nhân viên thú y kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở chế biến thịt lợn ở khu giết mổ tập trung Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội luôn là địa bàn "nóng" về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, trong đó, nhân lực chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do đó, tất cả các cấp, ngành cần quyết tâm vào cuộc đồng bộ trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố và các quận, huyện tổ chức đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa phương trên địa bàn, tập trung thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề.

Bên cạnh đó các cấp, các ngành tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; gắn trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm…

Tại cuộc họp, đại diện các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã nêu quyết tâm hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức như: Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công an thành phố phối hợp với ngành chức năng tập trung kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn…

Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các báo Kinh tế & Đô thị, Hà Nội mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã ký cam kết tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm.

*Ngày 12/4, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Theo ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, trong thời gian vừa qua, kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm của người quản lý, sản xuất và tiêu dùng địa phương đã có những cải thiện đáng kể. Tại Hải Dương, ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số ca mắc và đặc biệt, không có trường hợp tử vong.


Tuy nhiên, trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở một số nơi. Nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn được lưu thông trên thị trường. Điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn bộc lộ yếu kém…

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cùng các ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nâng cao kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho người dân; đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề, các khu công nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng tẩy chay những cơ sở làm ăn gian dối, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn chú trọng phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm, thủy hải sản, tăng cường kiểm dịch thú y, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả. Ngành Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập trái phép, không rõ nguồn gốc...

Tuyết Mai - Mạnh Minh (TTXVN)
Thanh Hóa 'mạnh tay' xử lý các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Thanh Hóa 'mạnh tay' xử lý các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Trong dịp trước, trong, sau Tết cổ truyền và mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và xử lý 982 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN