Set cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng ‘lên ngôi’ sau Tết

Dịp Rằm tháng Giêng, bên cạnh các set cỗ mặn truyền thống, nhiều gia đình đã đặt cỗ chay để thắp hương, một phần vì “giải ngán” sau Tết đã no đủ thịt, cá; phần khác vì cỗ chay mang lại sự thanh tịnh, có ý nghĩa tâm linh nhất định với những người có cái “Tâm” đạo Phật khá phố biến ở Việt Nam. 

Set cỗ chay cầu kỳ không kém set món mặn

Ngày rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng Âm lịch, còn gọi Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên) là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Theo triết lý của nhà Phật, rằm tháng Giêng được gọi là lễ Thượng nguyên – thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.

Chú thích ảnh

Vào ngày này, các gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cúng tươm tất và chu đáo để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng không cần quá cầu kỳ, tùy thuộc vào truyền thống và kinh tế của từng gia đình để chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc, thể hiện được lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Chú thích ảnh
Xôi cốm, món ăn tinh tế trong mâm cỗ chay của Madame Nhung.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, chị Quỳnh Như, phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Sau kỳ nghỉ lễ Tết với nhiều món mặn truyền thống, rằm tháng Giêng này, tôi chọn các món chay để thắp hương cho lạ vị. Set mâm chay hiện đa dạng, các món không khác gì cỗ mặn, chỉ là chế biến bằng đồ chay, từ gà, giò, nem chay, chạo chay, canh bóng chay, rồi bún thang chay…”.

Còn chị Minh Thu, phố Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình chia sẻ: Nhà ít người nên chị chọn đặt cỗ của một nhà hàng quen, đến sát ngày sẽ có nhân viên mang tới tận nhà. Chỉ vài phút sơ chế lại đồ ăn là chị đã có một mâm cỗ cúng đủ đầy. 

Chú thích ảnh
Các món đồ ăn giờ được đóng góp thuận tiện để ship cho khách hàng.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức, giá mâm cỗ chay không hề rẻ, một mâm cúng chay của cửa hàng nổi tiếng có khi còn đắt hơn cỗ mặn, nhưng vẫn được nhiều người chọn, thể hiện xu hướng chọn cỗ chay, thực dưỡng của người tiêu dùng hiện nay.

Đồ ăn chay mấy năm nay có xu hướng "lên ngôi", ngoài các món mặn truyền thống ngày Tết, chị Trương Thị Lê Nhung (Madame Nhung), chủ một nhà hàng ở Quán Sứ và đường Láng (Hà Nội) dành nhiều thời gian, tâm huyết cho các món chay. Giá đồ chay theo set của cơ sở này khoảng 1.355.000 - 1.805.000 đồng/mâm, gồm 9 món (cả tráng miệng), hoặc khách có thể chọn mua riêng từng món.

“Tỷ lệ khách hàng đặt cỗ chay cho ngày lễ rằm tháng Giêng này hiện nhiều hơn cỗ mặn. Các món chay như: Cốm, các loại salad đều được trộn - mix đa dạng. nếu như trước kia, cỗ chay thông thường chỉ có món nộm đu đủ truyền thống, thì tại cơ sở Madam Nhung, các loại gỏi, nấm, salad rong biển Bạch Tuyết… được chế biến rất đa dạng, lạ vị mà vẫn đảm bảo độ dinh dưỡng”, chị Trương Thị Lê Nhung cho biết. 

Chú thích ảnh
Món bún thang chay.

Theo chủ cửa hàng làm đồ chay, loại set 1 đắt nhất gồm các món: Gỏi nấm hầu thủ măng trộn; Salad rong biển Bạch Tuyết; chạo chay; nem chay cốm nấm; đậu phụ om nấm; nấm hầu thủ bỏ lò phomai kèm bánh mỳ; xôi cốm; bún thang chay; chè đậu xanh cốt dừa. 

Set chay 2 có giá 1,620 triệu đồng/mâm bao gồm các món: Canh tần nấm bổ dưỡng; Gỏi nấm tam tơ; 12 nem chay cốm nấm; Chạo chay; Nấm hầu thủ bỏ lò phomai kèm bánh mỳ; Đậu phụ om nấm; Cốm xào và chè đậu xanh cốt dừa.

Set chay số 5 có giá rẻ nhất là 1,355 triệu đồng/mâm với các món: Gỏi đậu phụ hạnh nhân; Bánh bột lọc; Bánh ít trần; củ quả trộn; Chạo chay; Đậu phụ om nấm; Bánh xèo Nhật chay; Cốm xào Tú lệ; Canh tần nấm bổ dưỡng.

Chú thích ảnh
Mâm cỗ có đủ loại bánh chưng, xôi truyền thống, cốm, gấc cùng các món khác được sáng tạo.

“Đây là năm thứ 4  tôi làm mâm lễ chay theo hình thức khách đặt qua online và nhận giao hàng tận nhà. Trước kia, tôi chỉ làm mâm cúng cỗ mặn, nhưng vài năm gần đây nhiều người cúng chay nên cũng đẩy mạnh thêm. Năm nay, lượng khách đặt cỗ chay cũng nhiều hơn năm ngoái khoảng 20 - 30%, cao điểm có ngày tôi nhận đến hơn 100 mâm cúng”, chị Thu Huyền, chủ một hàng kinh doanh cỗ cúng trọn gói tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết. 

Chú thích ảnh
Món xôi gấc có chữ của Bếp Anh Gạo CS Hà Nội.

Theo đó, giá set cỗ chay có giá từ từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/mâm, bao gồm các món như: Tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt…Thông thường, giá mâm cúng chay thường sẽ cao hơn mâm mặn đôi chút. Các nhà hàng sẽ tư vấn khách chọn món và trang trí món cho phù hợp từng nhu cầu, sau đó sẽ trang trí, đóng gói và mang đến cho khách cho phù hợp để khi giao hàng khách chỉ cần mở ra bày lên là ra mâm cỗ cúng. Các loại gia vị để nấu một mâm chay cũng đa dạng và phức tạp không kém: Từ bột mì, bột gạo, hạt đậu xanh, hương liệu…các món mặn có gì thì các món chay có những món tương tự, chỉ khác nguyên liệu chế biến. 

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, các loại mặt hàng chay cũng được đưa lên kệ nhiều gấp đôi so với ngày thường. Ghi nhận cho thấy rất nhiều mặt hàng thực phẩm được chế biến làm đồ chay sẵn từ bún, phở khô, các loại mì, gia vị … được bày bán để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đại diện Co.opmart cho biết: Nhằm hỗ trợ khách hàng ăn chay dịp đầu năm, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đang áp dụng giảm giá 20 - 30% đối với nhiều mặt hàng chay, bao gồm: Lẩu Thái chay SG Food 500 g; cơm chiên chay gạo lứt; chả lụa chay; các loại mì chay; heo lát, bò nướng, sườn non chay; chà bông nấm các hương vị. Các loại rau củ phổ biến, dễ sử dụng trong nấu ăn hằng ngày như mướp hương, rau muống, bắp cải thảo, su su, cải caron, bí đỏ, cải thìa, bắp cải, củ cải, cần tây… cũng giảm giá 15%.

Một số món mặn truyền thống vẫn “hút” khách 

Chú thích ảnh
Cỗ mặn tại Nhà hàng Bể Cá.

Mấy ngày nay, nick Facebook Trang Sula (Vũ Huyền Trang) tràn ngập khách hàng đặt món cho ngày lễ Rằm tháng Giêng. 

Theo chị Trang Sula, với quan niệm xa xưa "Lễ cả năm không bằng rằm Tháng giêng”, do vậy mặc dù người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thắt chặt, nhưng nhiều người vẫn rất chú trọng cho ngày này để ban thờ tổ tiên phải đẹp đẽ, đủ đầy. “Các món bán chạy vẫn là bánh chưng, thịt đông, chả mỡ, bánh gio, bánh ngũ sắc, các loại sữa chua giải ngấy và canh bóng. Nhiều khi nhà cung cấp tăng giá nhưng cơ sở kinh doanh chấp nhận giảm lãi để duy trì giá bán ổn định vì phần lớn khách mua đề là khách quen”, nick Trang Sula cho biết. Ngoài ra, một số món tráng miệng bánh gio gia truyền, khay bánh Ngũ Sắc Hoa Đôi để bày ban thờ được nhiều khách hàng lựa chọn.

Chú thích ảnh
Set canh bóng được Trang Sula giới thiệu trên trang cá nhân có giá 119.000 đồng/set.

Trong mấy ngày qua, trên mạng xã hội cũng tràn ngập các bếp rao các món cho ngày lễ cúng rằm tháng Giêng. Tại tài khoản Bếp Anh Gạo CS Hà Nội hiện nhận trọn gói set cỗ, món cho ngày lễ cúng Rằm như: Cỗ chay, mặn có giá từ 800.000 đồng trở lên; set mã vàng tiền 300.000 đồng; giá Bánh bao túi vàng/đào tiên là 120.000 đồng; set xôi gà từ 450.000 đồng; Bánh chưng xanh/chưng gấc có giá 100.000 đồng… Thu Hang Oreen cũng nhận gom Dimsum với vỏ bánh được trộn bột bằng cán tay thủ công chứ không phải loại mua sẵn, có độ mềm. 

Theo đó, giá há cả mix 5 vị là 240.000 đồng/hộp 20 chiếc; bánh bao thập cẩm, bao gà nấm là 75.000 đồng/hộp gồm 5 chiếc; nem gà phomai là 115.000 đồng/hộp 10 chiếc…

 

Bài, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp thị trường Rằm tháng Giêng
TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp thị trường Rằm tháng Giêng

Sáng 15/2 (ngày Rằm tháng Giêng), nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh đã ra chợ, siêu thị mua sắm để làm mâm cơm dâng cúng gia tiên. So với năm ngoái, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả không tăng nhiều, chỉ hoa tươi và trái cây là tăng cao hơn năm ngoái do thiếu nguồn cung. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN