Quản lý và xử lý chất thải rắn - Bài cuối: Tháo gỡ những bất cập về chính sách, công nghệ và tài chính

Trong những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn luôn được quan tâm, chú trọng.

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, pháp luật về quản lý chất thải rắn như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản dưới luật, như Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ phê duyệt về quản lý chất thải và các Thông tư hướng dẫn. 
 

Chú thích ảnh
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ở thành phố Tam Điệp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hệ thống chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn liên tục được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn theo Quyết định số 419/QĐ-TTg. Theo đó, quản lý tổng hợp chất thải rắn là kết hợp các phương pháp theo tiếp cận tổng thể, để quản lý chất thải trong toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến xử lý cuối cùng, được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường. 

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức trong quản lý chất thải rắn đã dần đi vào nề nếp. Đối với lĩnh vực quản lý chất thải rắn thông thường về cơ bản đã được phân định khá rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2007/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Đối với việc phân cấp quản lý chất thải rắn ở địa phương, theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng hoặc giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường) chủ trì quản lý.

Về công tác quy hoạch xử lý chất thải rắn, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn của 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với 8 khu xử lý chất thải rắn liên vùng, liên tỉnh. Song thực tế cho thấy việc xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn liên vùng, liên tỉnh không phù hợp với công tác quản lý chất thải rắn đô thị, mà chỉ phù hợp với công tác quản lý chất thải nguy hại. 

Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2030, đã có điều chỉnh quy hoạch dựa trên tình hình thực tế, chỉ quy hoạch cấp liên vùng tỉnh đối với chất thải nguy hại. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn quản lý. Đây là một bước tiến lớn so với giai đoạn trước. 

Công tác đầu tư tài chính cũng được tăng cường, một số địa phương đã có những dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thực hiện các dự án phân loại rác từ nguồn, thu gom và xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại. Nhà nước cũng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, nguồn huy động vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cũng được kể đến như một nguồn đầu tư quan trọng hỗ trợ cho các dự án về xử lý chất thải. 

Mặc dù nguồn tài chính đầu tư khá đa dạng, nhưng còn chưa cân đối giữa các lĩnh vực. Cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành phần lớn cho hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải, chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải rất thấp. Việc huy động nguồn lực theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt đối với chất thải rắn sinh hoạt hay chất thải rắn từ khu vực nông nghiệp, làng nghề.

Chú thích ảnh
Các loại phế liệu và rác thải tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, bên cạnh việc nâng cao thể chế, chính sách, khoa học công nghệ, tài chính, để quản lý chất thải rắn hiệu quả, một số giải pháp cũng được đề ra như đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể là xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm tái sử dụng, tái chế, xử lý thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Nhân rộng mô hình các khu xử lý chất thải rắn có huy động sự tham gia của các doanh nghiệp được cấp phép, cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn cho các địa phương lân cận để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải cũng như bảo đảm quản lý vận hành ổn định.

Đặc biệt là hoàn thành việc xử lý, đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường theo quy định. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, tiến tới thực hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải trả toàn bộ chi phí cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Hộ gia đình, cá nhân phải trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và một phần chi phí xử lý.

Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn công nghiệp đối với tất cả các cơ sở sản xuất theo 3 nhóm. Gồm nhóm tái sử dụng tái chế là nguyên liệu sản xuất, nhóm tái sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng và nhóm phải xử lý; đảm bảo tái sử dụng, tái chế tối đa chất thải rắn công nghiệp, tận thu năng lượng trong quá trình xử lý, hạn chế chôn lấp; đẩy mạnh triển khai sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất, hạn chế phát thải chất thải; xây dựng quy định, hướng dẫn kỹ thuật và lộ trình kiểm toán chất thải.

Mặt khác, thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định và đảm bảo quy chuẩn môi trường chất thải rắn y tế. Tăng cường tái chế đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế và không chứa yếu tố lây hiễm, không thải ra từ phòng cách ly; tăng cường năng lực cho các cơ sở xử lý chất thải để xử lý đa dạng các loại chất thải y tế. Quản lý và kiểm soát từ nguồn phát thải đến khi xử lý chất thải rắn xây dựng. Đi đôi với nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng…

Văn Hào (TTXVN)
Nan giải trong xử lý chất thải rắn từ sản xuất đặc thù
Nan giải trong xử lý chất thải rắn từ sản xuất đặc thù

Theo các chuyên gia Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc -Tổng cục Môi trường, công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn được xác định dựa trên thành phần, tính chất, khối lượng phát sinh chất thải rắn, điều kiện cụ thể của từng địa phương và đảm bảo theo nguyên tắc 3RVE (giảm thiểu), (sử dụng lại), (tái sinh, tái chế).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN