Quản lý và xử lý chất thải rắn - Bài 2:

Nan giải trong xử lý chất thải rắn từ sản xuất đặc thù

Theo các chuyên gia Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc -Tổng cục Môi trường, công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn được xác định dựa trên thành phần, tính chất, khối lượng phát sinh chất thải rắn, điều kiện cụ thể của từng địa phương và đảm bảo theo nguyên tắc 3RVE (giảm thiểu), (sử dụng lại), (tái sinh, tái chế).

Chú thích ảnh
Tính đến tháng 5/2018, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ở thành phố Tam Điệp đã xử lý hơn 40.000 tấn chất thải, trong đó phân loại để sản xuất phân vi sinh trên 8.200 tấn, chôn lấp hợp vệ sinh trên 30.800 tấn và xử lí trên 1.000m3 nước rỉ rác. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, các phương thức xử lý như công nghệ ủ sinh học được áp dụng để chế biến phân compost, thu khí; phương thức chôn lấp truyền thống để chế biến khí, sản xuất phân compost; ngoài ra còn áp dụng phương thức đốt (có hoặc không thu hồi năng lượng)... 

Hiện nay, đã có 5 công nghệ xử lý chất thải rắn đã được Bộ Xây dựng công nhận, gồm 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ (Seraphin và Ansinh-ASC); 1 công nghệ MBT-CD.08 (tạo viên nhiên liệu RDF); 2 công nghệ đốt (công nghệ ENVIC và BD-ANPHA).

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 11/2016, cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có khoảng 50 lò, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500 kg/giờ.

 Ngoài ra, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (chưa thống kê được đầy đủ các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) với tổng diện tích khoảng 4.900 ha, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, chưa có các bãi rác tập trung, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác, chủ yếu hình thành bãi rác tự phát, là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh nhận xét: Hiện các dây chuyền thiết bị công nghệ xử lý rác tại Việt Nam đều do một số cá nhân, Công ty nhỏ tự nghiên cứu, triển khai và chuyển giao cho các đối tác. Hạn chế này làm cho tính đồng bộ trong các dây chuyền thiết bị công nghệ không rõ nét, phát sinh nhiều hạn chế trong quá trình khai thác sử dụng.

Các hội đồng khoa học thường mang tính chất hình thức, tư vấn trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyên gia, các ý kiến góp ý hầu như không được kiểm soát khi đưa vào trong dự án triển khai. Vì lý do này, việc tập hợp các nhà khoa học, những nhà doanh nghiệp hoạt động thực tiễn nghiên cứu và ban hành các phương pháp xử lý rác như phân loại, tái chế, đốt, chôn lấp có ý nghĩa thực tiễn tại các dự án, trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đặc biệt, việc xử lý chất thải rắn từ hoạt động sản xuất đặc thù còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi những năm gần đây, tro, xỉ, than từ các nhà máy nhiệt điện, xỉ thải từ các nhà máy luyện thép đã được tái chế để làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng nhưng trên thực tế, lượng xỉ thải phần lớn vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phát sinh hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, năm 2017, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện trong cả nước lên tới 12,2 triệu tấn, trong khi chỉ mới xử lý được 4 triệu tấn, nên lượng tồn kho hiện lên đến 25,2 triệu tấn. Đặc biệt, căn cứ vào Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh đến năm 2030, sẽ có 46 nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW. Do đó trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng tới mức không còn chỗ để chứa. 

Nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Trung bình để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ. Như vậy lượng tro, xỉ phát sinh hàng năm từ 23 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thải ra khoảng 12,2 triệu tấn. Trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). Vì vậy, cần phải đánh giá chính xác về nguy cơ này để có một chính sách toàn diện, hiệu quả cho việc quản lý, vận chuyển và xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện. 

Dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro, xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng lượng tro, xỉ ngày càng tăng nhanh vì quá trình sản xuất còn nhiều vướng mắc và sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Nguyên nhân trước hết là đa số người dân và doanh nghiệp xây dựng chưa tin tưởng vào chất lượng gạch không nung từ tro, xỉ. Nếu xử lý tốt tro, xỉ, hàng năm nước ta có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm ha làm bãi chứa và đặc biệt là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện than, đảm bảo cho phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. 

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình vốn nhà nước, có hiệu lực thi hành từ 1/2/2018. Cụ thể là các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

Đối với các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ, các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%... Để thực hiện được mục tiêu này, các Bộ, ngành chức năng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ…cần sớm đưa ra được giải pháp xử lý, chế biến tro, xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ của các doanh nghiệp.

Bài cuối: Tháo gỡ những bất cập về chính sách, công nghệ và tài chính 

Văn Hào (TTXVN)
Quản lý và xử lý chất thải rắn: Bài 1- Thực trạng phát sinh
Quản lý và xử lý chất thải rắn: Bài 1- Thực trạng phát sinh

Sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã đang làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN