Thực phẩm 'bẩn':

Quản lý bất cập, người tiêu dùng tự... nâng cao nhận thức

Thời gian qua, các loại thực phẩm kém chất lượng, chứa các chất cấm liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Trong khi đó, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn còn nhiều bất cập.


Nguy cơ tiềm ẩn


Trong thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật không an toàn vào thành phố tiêu thụ. Tùy vào số lượng nhiều hay ít, nhưng hầu như ngày nào cơ quan chức năng cũng phát hiện vài vụ vận chuyển thịt lợn, các phụ phẩm thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, thực phẩm bị hôi thối từ các tỉnh đưa vào thành phố.


Ngày 17/8 vừa qua, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc bắt giữ một xe tải chở 97.500 quả trứng cút “lậu” đang trên đường vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.


Cũng trong tháng 8, tại Trạm kiểm dịch này liên tiếp phát hiện 9 vụ vận chuyển thịt “bẩn” bằng xe máy và một vụ chở thịt bằng xe ba gác máy vào thành phố 1,5 tấn thịt không rõ nguồn gốc.


Ngoài ra, tại đây các lực lượng chức năng còn tạm giữ 20 con heo sống, 350 kg lòng heo cùng nhiều phụ phẩm khác được chở vào thành phố tiêu thụ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thành phố còn liên tục phát hiện các loại thực phẩm như: Giá đỗ, trứng vịt bắc thảo ngâm hóa chất; rau củ quả có phun thuốc tăng trưởng, bảo quản bằng hóa chất; hay da heo được tẩy trắng bằng thuốc tẩy; hạt dưa, bột ớt, bột điều được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp có chứa chất gây ung thư Rhodamin B... gây lo ngại cho người tiêu dùng.


Nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan tại các chợ tự phát.


Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, cho biết, tại 3 chợ đầu mối lớn của TP Hồ Chí Minh là chợ nông sản Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn mỗi ngày lượng rau củ quả nhập về khoảng 1.000 tấn, trong đó không ít loại nông sản có phun thuốc tăng trưởng và bảo quản bằng hóa chất đã được phát hiện qua các đợt kiểm tra.


Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Kim Biên, các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm được bày bán tràn lan tại chợ từ hóa chất tạo rắn, giòn, dai cho bún, phở, hủ tiếu… đến các chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi…


Những người kinh doanh hóa chất ở đây cho biết, muốn mua loại hóa chất nào cũng có, chỉ cần khách hàng nói rõ yêu cầu sử dụng của mình. Từ các loại hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, kể cả hóa chất độc hại bị cấm... đến các loại hương liệu chế biến thực phẩm tạo mùi và màu như thịt heo, bò, gà, tôm, cua… chỉ cần khách hàng cần thì sẽ được đáp ứng. Do giá các loại phụ gia này khá rẻ, chỉ khoảng 20.000 - 40.000 đồng/100ml nên “kích thích” những thương buôn sử dụng.


Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhìn nhận: “Bên cạnh các loại thực phẩm nhiễm hóa chất thì việc sử dụng và bày bán tràn lan các loại phụ gia thực phẩm không đúng quy định vẫn còn diễn ra ở hầu hết các địa phương, với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép, chiếm từ 50 - 87% hoặc với hàm lượng vượt quá mức giới hạn chiếm từ 22 - 93%. Các hành vi này đã và đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng”.


Khó quản lý


Mặc dù công tác truyền thông, giáo dục về ATVSTP được đẩy mạnh, nhận thức xã hội với vấn đề ATVSTP đã được nâng lên và tình trạng ngộ độc thực phẩm đã giảm đáng kể qua các năm, song công tác này vẫn đang đối mặt với những thách thức rất lớn.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh:

35% số người bị ung thư liên quan đến thực phẩm độc hại

Mặc dù đã có Luật VSATTP, song khi áp dụng vào thực tế vẫn còn thiếu tính răn đe. Theo Nghị định 45 của Luật VSATTP, đối tượng vi phạm VSATTP bị xử phạt ở mức quá thấp nên các vụ vi phạm về vấn đề này ngày càng tăng. Theo tôi nên nâng mức xử phạt 1 tỷ đồng với cá nhân vi phạm, 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm. Với mức phạt trên thì mới mong hạn chế được vi phạm lĩnh vực VSATTP. Ngoài 2 quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật VSATTP chưa đủ mạnh thì Bộ luật Hình sự quy định cụ thể tại Điều 244 mức phạt tù từ 1-8 năm đối với đối tượng vi phạm VSATTP, song tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Luật ra đời để bảo vệ người tiêu dùng nhưng trên thực tế người vi phạm vẫn chưa bị xử lý, quyền và sức khỏe người tiêu dùng tiếp tục bị xâm hại. Cho nên, hàng năm cả nước có khoảng 70.000 người bị ung thư, trong đó có 20.000 người (35%) bị ung thư liên quan đến thực phẩm độc hại cũng là điều dễ hiểu.

Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban quản lý chợ Kim Biên:

Nói không với kinh doanh và sử dụng PGTP không an toàn

Chợ Kim biên là nơi chuyên kinh doanh các loại phụ gia thực phẩm (PGTP), với 534 sạp, hàng của 338 hộ kinh doanh các mặt hàng hương liệu, mỹ phẩm, bách hóa... Trong đó, 17 hộ với 21 sạp hàng chuyên kinh doanh về PGTP. PGTP là ngành hàng rất quan trọng, là nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thực phẩm, phục vụ cho nhu cầu ăn uống của con người, có ảnh hưởng và tác động lớn đến đời sống, sức khỏe của người dân. Do đó, Ban quản lý chợ đã, đang và sẽ tạo điều kiện để hộ kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ kinh doanh, thường xuyên vận động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để quản lý tốt ngành hàng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Qua đó, có 17 hộ kinh doanh PGTP tại chợ đã ký cam kết "Nói không với kinh doanh và sử dụng PGTP không an toàn".

Nguyễn Đình Thụ, Giám đốc cơ quan đại diện Cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Xây dựng và nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát chất lượng

Để đảm bảo ATVSTP từ cơ sở sản xuất đến bàn ăn, chúng ta cần xây dựng và nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát chất lượng ATVSTP từ Trung ương đến các địa phương và cơ sở sản xuất. Theo đó, hoàn thiện bổ sung các chương trình kiểm soát VSATTP theo chuỗi sản xuất kinh doanh ngành hàng; đồng thời xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng ATVSTP chuyên ngành. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa, phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, đào tạo kiểm nghiệm, chứng nhận trong đảm bảo chất lượng ATVSTP từ cơ sở đến tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố có khoảng 10 triệu dân nhưng nguồn cung thực phẩm của thành phố chỉ khoảng 20%, 80%, thực phẩm còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành cho nên việc kiểm tra rất khó.


Hiện Chi cục Thú y đã kiểm soát được 87% lượng thịt vào thành phố, trong đó có 98% lượng thịt gia cầm và 60% lượng trứng gia cầm so với tổng nhu cầu. Tuy nhiên, do lượng thực phẩm vào thành phố hàng ngày rất nhiều nên Chi cục cũng không thể kiểm soát hết, vì vậy cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và chính quyền địa phương, kể cả tiểu thương và cộng đồng xã hội.


Trong khi đó, theo ông Trương Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh, đối với các mặt hàng thủy, hải sản, khi đưa về chợ đầu mối đều được Chi cục Thú y phối hợp với các Ban quản lý chợ kiểm tra các loại kháng sinh tồn dư.


Riêng những loại thực phẩm khi đưa thẳng về các chợ lẻ thì Chi cục không thể kiểm tra hết, bởi lực lượng của ngành còn mỏng nên khó tránh khỏi tình trạng tiểu thương tại các chợ lẻ và chợ dân sinh sử dụng các loại hóa chất cấm để bảo quản mặt hàng này.


Không chỉ khó kiểm soát chất lượng ATVSTP, các cơ quan chức năng hiện còn đối mặt với nhiều thách thức trong công tác kiểm soát các chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc. Qua khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, thực trạng hiểu biết của người sản xuất, chế biến, kinh doanh trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm nhìn chung còn thấp. Phụ gia thực phẩm đang được sử dụng rộng rãi trên 70 - 90% các loại thực phẩm chế biến.


Cụ thể, trong 3 năm gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 15,6% số mẫu thực phẩm có hàn the, 13% số mẫu có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép và 12% số mẫu có phẩm màu kiềm... “Hiện nay việc quản lý chất phụ gia thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo và khó kiểm soát. Lực lượng kiểm tra còn thiếu trong khi đó nhiều địa phương lại quy hết trách nhiệm quản lý này cho ngành y tế là không ổn” - ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục VSATTP, cho biết.


Nâng cao nhận thức của người dân


Theo Cục ATVSTP, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm ATVSTP đa số là do người sản xuất, hộ kinh doanh thiếu hiểu biết về ATVSTP. Cụ thể, có 42% người kinh doanh, 68% người tiêu dùng hiểu biết chưa đúng về việc sử dụng phụ gia thực phẩm.


Bên cạnh đó, do lợi nhuận nên nhiều người bất chấp quy định để sản xuất những thực phẩm không an toàn như sử dụng thuốc tăng trưởng kích thích để thu hoạch nhanh và đem lại lợi nhuận cao hơn hoặc dùng phụ gia công nghiệp thay thế phụ gia thực phẩm bởi giá thành rẻ hơn nên giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh quá lớn trong khi đó cán bộ quản lý còn quá mỏng không thể kiểm soát hết.


Ông Nguyễn Thanh Phong, cho biết: “Muốn quản lý tốt chất lượng ATVSTP, cần sự quan tâm của ngành y tế, nông nghiệp, công thương và UBND các cấp. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh kiểm tra và đẩy mạnh hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi để người sản xuất, người tiêu dùng thấy rõ tác hại khi buôn bán, sử dụng các loại thực phẩm kém chất lượng là điều cần thiết và làm sớm”.


Vừa qua, tại cuộc họp ban chỉ đạo liên ngành Trung ương ATVSTP, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan nên rà soát lại, xử lý dứt điểm tình trạng nhập lậu thực phẩm “bẩn” trái pháp luật; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nông dân và người dân "Nói không với trồng rau không an toàn"; thay đổi hành vi mua bán và sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm. Tổ chức kiểm soát ATVSTP ở bếp ăn tập thể chặt chẽ hơn, có hướng dẫn, từ đó kiểm soát ATVSTP đầu vào để tránh ngộ độc tập thể.


Trong khi còn nhiều nguyên nhân khách quan vẫn chưa được giải quyết như khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu; chưa kiểm soát hết được việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật của người sản xuất… thì bản thân mỗi người tiêu dùng cần thông thái hơn trong vấn đề lựa chọn thực phẩm và bảo đảm ATVSTP ngay từ bếp ăn của gia đình mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý tốt thức ăn đường phố, và đẩy mạnh hơn nữa giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, chế biến thực phẩm... để đảm bảo ATVSTP ngay từ gốc.



Đan Phương - Hoàng tuyết

Chợ tự phát tràn lan thực phẩm “bẩn”
Chợ tự phát tràn lan thực phẩm “bẩn”

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ tự phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ tự phát gần các khu chế xuất – khu công nghiệp như Linh Trung, Tân Thuận, Tân Bình… các loại thực phẩm kém chất lượng vẫn đang được bày bán một cách tràn lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN