Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Quang Hưng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành quy hoạch các bến bãi chứa vật liệu xây dựng ở bên ngoài bãi sông và trong đê; xây dựng phương án để bảo vệ hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê, kè, cống… theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế, ngăn chặn việc xâm phạm hành lang bảo vệ đê, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cần tham mưu cho UBND tỉnh phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về việc cấp phép bến bãi, xử lý các vi phạm an toàn hành lang đê, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc không làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Hải Dương có 19 tuyến đê với tổng chiều dài trên 373 km thuộc hai hệ thống sông Luộc và sông Thái Bình, có 78 kè, 12 bờ lở, 278 cống dưới đê; trong đó, đê từ cấp III trở lên dài trên 255 km. Ngoài ra, Hải Dương còn có 8 tuyến đê bối, dài 28,8 km, bảo vệ trên 1.104ha đất bãi sông...
Tính đến cuối năm 2019, địa bàn tỉnh có 245 bến bãi đang hoạt động tại các bãi sông, trong đó có 186 bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, 54 bãi than, 5 bãi quặng, với các vi phạm như: xây dựng mố cẩu, bể lắng than, hệ thống sàng rửa than, quặng không phép, làm nhà, lán tạm, xe vận chuyển vượt tải trọng đi trên đê. Một số bãi vi phạm nghiêm trọng đều tập trung ở huyện Kinh Môn, Kim Thành…
Hiện nay, 56 khu vực hoạt động sản xuất gạch, đóng tàu, nuôi thủy sản, trang trại trên hành lang các tuyến đê cũng có nhiều vi phạm như: chất tải không phép tại bãi sông, xây dựng nhà, lán tạm, chuồng trại, đào ao, đắp bờ; có 3 vi phạm nghiêm trọng trong xây dựng nhà máy gạch tuynel tại bãi sông ở huyện Thanh Hà, Nam Sách và Kim Thành. Hiện, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn tồn tại 223 vụ vi phạm xây dựng lều, lán, quán, chợ tạm trong hành lang, xây dựng nhà, chuồng trại, bờ tường tại bãi sông.
Hoạt động nuôi cá lồng trên sông đã làm phát sinh 168 vi phạm, như: lắp đặt nhà lán chứa thức ăn, dụng cụ, làm dốc lên đê, dựng cột điện bằng tuýp sắt… Giai đoạn 2015 - 2019, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh Hải Dương đã xử lý 569/792 vụ vi phạm phát sinh. Từ năm 2016 đến 2019, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương xử phạt các vi phạm với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương), việc xử lý các vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhận thức của một số tổ chức, cá nhân có hành vi ngoan cố, chây ỳ, thậm chí đe dọa cán bộ ở các Hạt Quản lý đê ở các huyện. Một số chính quyền địa phương cho thuê đất vi phạm luật đất đai, đê điều, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm, thậm chí còn đùn đẩy, né tránh. Việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt của Chi cục còn gặp nhiều khó khan. Luật Đê điều và Nghị định 104/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều còn nhiều bất cập… Quy hoạch phòng, chống lũ của tỉnh chưa được thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, xử lý vi phạm, như: cấp phép nhà lán trên bãi sông, xử phạt hành vi “gây cản trở dòng chảy, thoát lũ”….
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích băn khoăn: Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều vi phạm, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý. Sự bất cập trong quản lý cấp phép, kiểm tra, xử lý các vi phạm trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý vi phạm như hiện nay đã đủ tính răn đe đối với các đối tượng, tổ chức vi phạm hay chưa?
"Để phòng ngừa và xử lý dứt điểm các vi phạm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp, các cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương và phải gắn được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương với các vi phạm xảy ra trên địa bàn" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Quân chia sẻ.
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai việc xây dựng quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021- 2030, trong đó có “Phương án phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn làm căn cứ quản lý, khai thác, sử dụng đất bãi sông, xây dựng kế hoạch tu bổ đê điều… Bên cạnh đó, UBND tỉnh đầu tư nâng cấp các tuyến đê có lưu lượng giao thông lớn để kết hợp làm đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; làm đường hành lang chân đê chống tái vi phạm pháp luật về đê điều…
Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương đã tổ chức các Đoàn giám sát về công tác đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ đê tại một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.