Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng (từ tháng 12/2016 đến nay), ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đánh giá, dự án “Gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công Đông” bằng kết cấu vật liệu túi Geotube (sản xuất bằng vải dệt Polypropylen (PP) cường độ cao, được may tại nhà máy thành các ống có kích thước theo yêu cầu của từng dự án, sau đó bơm cát, hoặc các vật liệu tại hiện trường vào trong ống tạo thành các con đê mềm) đã đạt hiệu quả khá tốt.
Cụ thể, khu vực kè, lượng bùn, cát đã bồi lắng trung bình khoảng 0,5m, chất liệu bồi lắng là bùn pha cát; riêng đối với chân kè, chất liệu chủ yếu là cát, nếu bồi lắng tốt sẽ trồng mới được gần 18 ha rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, nhiều đoạn kè bằng túi cát Geotube đã bị bục rách, làm cho cát thoát ra ngoài.
Lý giải nguyên nhân các túi Geotube bị hỏng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, khi thủy triều lên, xuống kết hợp với sóng biển mang theo các vật cứng như cây, củi khô tác động vào đầu túi khiến túi bị rách.
Bên cạnh đó, kết cấu vật liệu của túi Geotube có xu hướng bị giảm chất lượng theo thời gian nên khi có vật tác động, sẽ gây rách túi. Cùng với đó, giữa thân túi và đầu túi được kết nối với nhau bằng một lớp trung gian chất liệu vải mỏng, hiện nay các đầu túi đa phần bị rách lớp trung gian đó.
Ngoài vấn đề về độ bền, tính ổn định lâu dài của các túi cát Geotube, khi dự án được đưa vào sử dụng, cửa xả có bề rộng 120m, độ dày của lớp phù sa bồi lắng thấp hơn nhiều so với cửa xả bề rộng 40m, như vậy độ bồi lắng toàn dải của khu vực kè không đồng đều.
Sau khi đưa vào sử dụng thí điểm, nhận thấy chất liệu làm túi Geotube không bền vững trước tác động của sóng biển và vật liệu nổi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm ngưng không triển khai thí điểm mô hình này ở các nơi khác. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ tỉnh Tiền Gang tìm nguyên nhân gây hư hỏng và có giải pháp khắc phục tình trạng rách túi Geotube.
Hiện nay, để khắc phục tạm thời, ngành chức tăng tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát đoạn kè, khi thấy có dấu hiệu hư hỏng ở đâu thì lập tức sửa chữa bằng cách may lại điểm bị rách tại đó.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn số 1025/UBND-ĐTXD về việc triển khai dự án “Gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công Đông” bằng kết cấu vật liệu túi Geotube bên trong chứa cát; giao Ban Quản lý dự án tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, dự án được khởi công xây dựng tháng 3/2016 và đến tháng 12/2016 hoàn thành giai đoạn 1, nghiệm thu và đưa vào sử dụng với quy mô tổng chiều dài tuyến kè giảm sóng trên 1.400m, cao trình thiết kế của đỉnh kè là 1,7m, chiều rộng từ kè giảm sóng đến bờ khoảng 180m. Toàn dải kè gồm 3 cụm: Cụm T1 chiều dài 440m, cụm T2 dài 440m và cụm T3 dài 270m, cửa xả cụm T1 là và T2 là 120m, cửa xả cụm T3 là 40m
Theo đó, dự án có mức tổng đầu tư trên 56 tỷ đồng; trong đó, gần 46 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương). Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2015 - 2017) thi công kè giảm sóng - mỏ hàn để gây bồi và xây dựng nhà quản lý, ươm cây giống, triển khai việc trồng rừng; giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thiện trồng rừng, thực hiện các hạng mục còn lại và kết thúc dự án.
Cho đến nay, đã hoàn thành thời gian giai đoạn 1, tức đã hoàn thành xong giai đoạn thi công kè giảm sóng - mỏ hàn để gây bồi. Tuy nhiên, do khối lượng bồi lấp chưa đủ, nên giai đoạn 2 hoàn thiện việc trồng rừng chưa được thực hiện.
Tuyến đê biển Gò Công dài trên 21.000 m có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống hạn mặn bảo vệ trên hàng chục ngàn ha đất canh tác các huyện vùng duyên hải tỉnh Tiền Giang. Những năm qua, do biến đổi khí hậu, sóng gió gây sạt lở và mất dần rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài nên tuyến đê đang đứng trước nguy cơ sạt lở, vỡ đê, nhất là tại đoạn xung yếu dài trên 12 km thuộc các xã Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông).