Nội dung được nhiều người quan tâm liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt đang có nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác trên một số phương tiện truyền thông đại chúng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) liên hệ với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ hơn thông tin này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là do chưa thực hiện được việc phân loại tại nguồn và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc người phát thải phải trả tiền. Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc. Mặt khác phần lớn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chi trả bởi ngân sách nhà nước.
Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình. Một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn. Khi quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua khối lượng hoặc thể tích thì việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, do đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người phát thải phải trả tiền.
Với mục đích đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể về phân loại tại nguồn và kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay vì hình thức thu bình quân.
Cụ thể theo Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành Thông tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới để các địa phương áp dụng.
Luật cũng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Trường hợp không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền nhấn mạnh, quy định này một mặt thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh đồng thời khuyến khích người dân phân loại tại nguồn theo quy định vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn. Tuy nhiên, cần phải làm rõ là Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính toán theo dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Việc thu giá được thực hiện theo nguyên tắc việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, không nhất thiết phải theo khối lượng mà có thể theo thể tích.
Mặt khác, theo Thông tư số 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những hình thức là thu theo bao bì đựng chất thải, trong đó giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi loại bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau. Thông tư cũng đưa ra quy định các địa phương có thể lựa chọn các hình thức khác, miễn là theo được nguyên tắc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn.
Các quy định trên nguyên tắc, để đảm bảo tính khả thi, Luật cũng đưa ra một số quy định liên quan. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Tổ dân phố, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền.
Về lộ trình, theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết thêm, việc thu phí qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng chất thải hiện đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện khá thành công. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Nghị định và Thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nhiệm của các quốc gia này để làm căn cứ quy định tại Việt Nam. Với những quy định trên và sự vào cuộc của toàn xã hội, quy định này sẽ dần đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.