Đây là nội dung chính được thành phố Hạ Long thống nhất thông qua tại cuộc họp trực tuyến ngày 9/8 với các phường, xã để đánh giá thực trạng, bàn phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng được dự kiến triển khai thí điểm ở thành phố.
Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt, việc phân loại được áp dụng ngay từ các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Sau khi phân loại, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được lưu giữ bằng 2 loại thùng có màu sắc khác nhau. Nếu chất thải rắn sinh hoạt không được tổ chức phân loại ngay từ đầu nguồn thì thành phố yêu cầu các công ty môi trường từ chối thu gom.
Đối với chất thải có thể đốt không gây ô nhiễm môi trường, chất thải có thể tái chế sử dụng, thành phố tổ chức thu gom vào một ngày quy định trong tuần và sẽ thành lập đội kiểm tra liên ngành, kiểm tra thường xuyên các điểm thu gom, tập kết rác thải tập trung.
Chất thải xây dựng không được phân loại mà được chất thành đống gọn gàng, che phủ kín để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý, thành phố sẽ xây dựng phương án cụ thể đối với nhóm chất thải rắn dùng để đốt, nhóm chất thải rắn chôn lấp. Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Một điểm đổ chất thải xây dựng đang được quy hoạch tại khu Tây Nam Đèo Sen (Khu 3, phường Hà Khánh, Hạ Long) do Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà ở Cẩm Phả quản lý; một khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các địa phương Hạ Long và Cẩm Phả được quy hoạch tại Trung tâm Xử lý chất thải rắn (ở 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình, Hạ Long) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco quản lý. Trung bình mỗi ngày, lượng chất thải xây dựng phát sinh khoảng 150m3/ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt là 300 tấn/ngày.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố vẫn chưa được phân loại tại nguồn mà đang thu gom hỗn hợp với các chất thải khác. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn vứt rác bừa bãi, bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều hộ gia đình còn đổ chất thải xây dựng lẫn vào bãi rác sinh hoạt hoặc đở vào các khu đất trống.
Trong những ngày đầu tháng 8/2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh tình trạng ô nhiễm rác ở thành phố Hạ Long.
Theo đó, nguyên nhân của tình trạng này là do bất đồng về phương án tài chính trong việc xử lý rác thải giữa chính quyền địa phương với Công ty cổ phần Tập đoàn Indevco.
Phía Indevco đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí cho việc tiếp nhận, lưu giữ chất thải rắn của 3 địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên từ ngày 1/11/2016 đến ngày 30/4/2021 là 115 tỷ đồng. Bởi lẽ đã tròn 4 năm 6 tháng, công ty tiếp nhận hơn 850 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương theo chỉ đạo của UBND tỉnh mà chưa được nhận một đồng chi phí nào.
Tuy nhiên, các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng đề xuất của Indevco không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên không có cơ sở để xem xét hỗ trợ.
Không tìm được tiếng nói chung, Indevco có thông báo về việc ngừng cho Công ty Judenco mượn đường vào bãi tập kết rác chờ xử lý, khiến toàn thành phố Hạ Long bị ngập trong rác, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính quyền địa phương đã tìm một địa điểm đổ rác tạm khác vào ngày 6/8 để giải quyết tình trạng trên.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Văn Diện khẳng định, qua sự cố về môi trường của thành phố trong những ngày vừa qua thì việc thành phố thực hiện các phương án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng là một trong những giải pháp lâu dài nhằm cải thiện chất lượng môi trường và phát triển đô thị bền vững.
Ông Vũ Văn Diện nhận định, tuy đây là một việc khó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện nội dung này bằng việc ban hành một Nghị quyết riêng. Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo từ thành phố đến thôn, khu, do bí thư cấp ủy làm trưởng ban.
Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm tham mưu, đánh giá tổng thể các chỉ đạo của tỉnh, của thành phố để xây dựng dự thảo Nghị quyết của cấp ủy, đảm bảo có sự chỉ đạo đồng bộ trong triển khai thực hiện từ thành phố đến cơ sở.
Ban Chỉ đạo các cấp sẽ phải thống nhất quy trình lấy ý kiến nhân dân, vận động, tuyên truyền, giám sát đến xử phạt, quy trách nhiệm.
Trước mắt, thành phố yêu cầu chính quyền 12 xã và phường Hoành Bồ xác định sớm khu vực xử lý rác thải sinh hoạt làm phân vi sinh để phục vụ sản xuất nông nghiệp.