Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa
Chiều tối 25/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã được chứng kiến quá trình hội chẩn, tư vấn của các y, bác sĩ Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương… với bệnh viện tại huyện đảo Đảo Cô Tô, Bệnh viện sản Nhi Đà Nẵng…
Sau hơn 2 tháng thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel xây dựng và triển khai kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đến nay, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển tuyến trên; những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé được kết nối với bệnh viện trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…
Đặc biệt, Đề án có sự kết nối với một số bệnh viện tại Lào và Campuchia, cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đây là bước đi quan trọng để quảng bá hình ảnh về nền y tế chất lượng cao và có trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là bước tiến lớn của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đánh giá Đề án khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch vẫn hiện hữu với nước ta.
Với việc 23 ngày qua, cả nước không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, việc khám chữa bệnh từ xa đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống COVID-19. Cũng với việc nhiều ngày qua không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ hai khống chế thành công dịch bệnh nhờ sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nhiều mô hình phòng, chống dịch hiệu quả được đề xuất và triển khai, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động khám chữa bệnh từ xa.
Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã cho thấy nhiều lợi ích, như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn; không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và tập trung đông bệnh nhân dễ lây nhiễm tại các tuyến.
Từ đó, Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới đây khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, việc mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết, không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên toàn tuyến, khám, chữa bệnh từ xa còn giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế, lưu trữ tài liệu, dữ liệu cho các công trình nghiên cứu sâu hơn.
Thủ tướng mong muốn số điểm cầu kết nối nhiều hơn con số 1.000 hiện nay trên tinh thần “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”; nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết hành lang khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có trình độ cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn Viettel và các đơn vị viễn thông triển khai Đề án đi kèm với đào tạo, bảo đảm lực lượng vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc, nâng cấp phát triển phần mềm liên tục để đáp ứng các nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong y tế; xây dựng từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số. Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh phát triển nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế, như hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, đảm bảo tính bảo mật thông tin…
Đối với UBND các tỉnh, Thành phố, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên để để triển khai tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường truyền thông để lan tỏa và nhân rộng mô hình khám, chữa bệnh từ xa. Ưu tiên đầu tư các cơ sở y tế trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.
Thủ tướng cũng đề nghị các thầy thuốc cần phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn triển khai tích cực chương trình khám, chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Từ thành công này, Thủ tướng mong muốn Bộ Y tế tiếp tục triển khai chương trình, đề án ứng dụng công nghệ hiện đại để trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh
Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên kế toán trưởng.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Ông Quốc Anh và ông Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Hành vi phạm tội của các bị can liên quan đến đề án liên doanh, liên kết lắp đặt Hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và Robot trợ giúp chính xác Rosa, liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Cổ phần Công nghệ BMS (Công ty BMS).
Kết quả điều tra bước đầu có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Công ty BMS. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng - thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS). Các bị can này đều bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bắc Bộ có mưa trong 10 ngày tới
Dự báo, từ chiều 26/9, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, rất to. Mưa lớn tập trung từ chiều tối ngày 26/9 đến sáng ngày 27/9. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (25/9), rãnh áp thấp có trục ở khoảng từ 25 - 28 độ vĩ Bắc.
Dự báo, từ chiều ngày 26/9 - 28/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén và đẩy dịch xuống phía Nam bởi áp cao lục địa ở phía Bắc kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 3000m, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm/24 giờ có nơi trên 120mm/24 giờ. Mưa lớn tập trung từ chiều tối ngày 26/9 đến sáng ngày 27/9. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao nên trong chiều tối và đêm 25/9, ở vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 15 - 30mm/12 giờ, có nơi trên 70mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh 30 năm tù
Ngày 25/9, tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đã trình bày phần luận tội và đề nghị mức án đối với 16 bị cáo.
Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo là người có trình độ, có chức trách nhiệm vụ, nên nhận thức đầy đủ về hành vi của mình. Hành vi phạm tội của các bị cáo bị truy tố như cáo trạng là có căn cứ. Bị cáo Trần Văn Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo còn lại thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Tấn Vinh (nguyên kế toán trưởng Công ty Lương thực Trà Vinh) là người giúp sức tích cực cho bị cáo Trần Văn Tâm. Các bị cáo còn lại, phần nào chịu sự ảnh hưởng của cấp trên, vai trò giúp sức hạn chế.
Cụ thể, từ ngày 26/12/2013 đến ngày 30/3/2015, Trần Văn Tâm lợi dụng chức vụ quyền hạn là Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh đã cùng với Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Nguyễn Nhất Thống, Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được thực hiện hành vi tham ô số tiền hơn 5,1 tỷ đồng của Vinafood 2 để hợp thức khoản tiền mua, bán hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu, số 68 Bạch Đằng, thành phố Trà Vinh của Tổng Công ty, chuyển thành tài sản cá nhân của Trần Văn Tâm.
Từ năm 2012-2017, Trần Văn Tâm cùng các đồng phạm Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Cao Minh Chiểu, Nguyễn Nhất Thống, Cao Tấn Được, Lê Hoàng Minh, Lê Châu Giang, Nguyễn Vĩ Long, Võ Văn Sen, Hồ Phú Lộc, Nguyễn Thị Liễu đã thực hiện hành vi mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Vinafood 2 sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại hơn 127 tỷ đồng.
Cũng từ năm 2012-2017, bị cáo Huỳnh Thế Nam (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2) và 3 cấp dưới liên quan đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện và thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê tài sản, lập báo cáo tài chính, kiểm tra, giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh, để Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Tổng Công ty.
Từ những phân tích trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo cụ thể như sau: Bị cáo Trần Văn Tâm (sinh năm 1975, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) 30 năm tù, Nguyễn Tấn Vinh (sinh năm 1979, nguyên Kế toán trưởng Công ty Lương thực Trà Vinh) từ 20 - 24 năm tù, Phan Văn Hiệp (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lương thực Cầu Kè) từ 16 - 18 năm tù, Nguyễn Nhất Thống (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông) từ 12 - 14 năm tù, Cao Minh Chiểu (sinh năm 1984, nguyên Kế toán Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè) từ 16 - 18 năm tù và Cao Tấn Được (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông) từ 11 - 13 năm tù, cùng về tội “Tham ô tài sản” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đề nghị tuyên buộc các bị cáo này liên đới bồi thường 5,15 tỷ đồng.
Nhóm 6 bị cáo nguyên lãnh đạo xí nghiệp trực thuộc Công ty lương thực Trà Vinh và các doanh nghiệp với vai trò đồng phạm bị đề nghị mức án cụ thể: Lê Hoàng Minh 3 - 4 năm tù, Lê Châu Giang 3 - 4 năm tù, Nguyễn Vĩ Long 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Võ Văn Sen 8 - 9 năm tù, Nguyễn Thị Liễu 4 - 5 năm tù, Hồ Phú Lộc 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 6 bị cáo này cũng liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 127 tỷ đồng với nhóm 6 bị cáo phạm tội tham ô trên.
Nhóm 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Vinafood 2 gồm Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc), Vũ Bá Vinh (sinh năm 1959, nguyên thành viên Hội đồng thành viên kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ), Huỳnh Văn Tranh (sinh năm 1961, nguyên Kiểm soát viên phụ trách chung) và Trịnh Ngọc Thuận (sinh năm 1976, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán) bị đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự kiến phiên tòa xét xử đến ngày 30/9.
Cảnh báo việc sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp để gian lận thương mại
Theo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh), hành vi lợi dụng chữ ký số của doanh nghiệp để cố ý làm sai, gian lận xuất nhập khẩu đang xuất hiện nên các DN, cơ quan quản lý cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện có khoảng 4.000 DN FDI làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục. Hầu hết các DN FDI chấp hành tốt pháp luật hải quan, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp có hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, đó là việc sử dụng chữ ký số để thực hiện các hành vi vi phạm.
"Sở dĩ có tình trạng trên là do một số tổ chức, cá nhân (dịch vụ khai thuê hải quan, nhân viên đại lý hải quan) sau khi được thuê khai hải quan cho DN đã lấy chữ ký số của các DN để thực hiện việc khai hải quan trên hệ thống VNACCS trong khi chưa được sự đồng ý của DN xuất nhập khẩu. Việc lợi dụng chữ ký số của DN xuất nhập khẩu đều nhằm mục đích buôn lậu, gian lận thương mại. Khi phát hiện vi phạm, đa số DN có chữ ký số đều không biết mình đã vi phạm bởi DN này đã giao chữ ký số cho những đại lý hải quan để họ thực hiện khai báo các thủ tục hải quan thay cho mình", ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Để hạn chế tình trạng sử dụng chữ ký số của DN thực hiện hành vi gian lận thương mại, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đề nghị tất cả các DN xuất nhập khẩu quản lý chặt chẽ chữ ký số của mình để tránh bị các đơn vị khác lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Khi thuê đơn vị khai thuê hải quan, DN cần lựa chọn và sử dụng dịch vụ khai thuê hải quan là các đơn vị khai thuê có uy tín, có nhiều kinh nghiệm khai báo, như các đại lý hải quan đã được Tổng cục Hải quan cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, các DN lưu ý khi giao đại lý làm thủ tục thay mặt chủ hàng thì DN phải ký hợp đồng với đại lý hải quan để tránh bị lợi dụng và tranh chấp, không giao chữ ký số cho đại lý hải quan hoặc dịch vụ mà không ràng buộc trách nhiệm theo hợp đồng dẫn đến những vụ vi phạm đáng tiếc xảy ra...