Bờ sông Dinh đoạn qua xã Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN |
Mưa lũ lại đến, người dân lại âu lo, không biết bờ sông Dinh sẽ tiếp tục bị sạt lở tới đâu, bởi đến giờ giải pháp xây dựng kè chống sạt lở bờ sông của chính quyền các cấp ở tỉnh vẫn chưa được thực hiện.
Theo UBND huyện Ninh Phước, xã Phước Sơn là địa bàn vùng trũng thấp, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Khi mưa lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt, làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Dinh, gây thiệt hại đáng kể tài sản của nhà nước, của nhân dân, đe dọa an toàn tính mạng người dân sống ven sông.
Vào cuối năm 2016, mưa lũ xảy ra đã gây sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 1.300 m, sạt sâu vào đất liền trên 50m, hơn 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lắp xuống sông, gây thiệt hại đáng kể tài sản của người dân nơi đây. Cuối tháng 9 vừa qua, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, lũ đổ về đã tác động, tiếp tục gây sạt lở bờ sông, làm người dân vô cùng lo lắng.
Ông Lê Văn Thủy, ở thôn Phước Thiện 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước cho biết, trước đây diện tích đất sản xuất của gia đình ông hơn 5 sào, nhưng chỉ qua một đợt mưa lũ tác động, hơn 3 sào đất của gia đình ông đã biến mất, sạt lở xuống sông.
Căn nhà và chuồng dê nuôi vỗ béo 65 con trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình ông trước đây cách bờ sông Dinh hơn 50 mét, nay chỉ còn cách bờ sông khoảng hơn 2 mét. Để an toàn, ông Thủy phải dùng những chà cây lấp vào chỗ sạt lở để làm giảm bớt lực nước xoáy vào chân đê.
Người dân ở xã Phước Sơn cho rằng, trước đây nước sông Dinh chạy rất êm ả, hiền hòa, không có tình trạng sạt lở xảy ra. Tuy nhiên thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời do chính quyền địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dưới sông không hợp lý, chặn dòng múc cát, làm đảo lộn dòng chạy, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông.
Bà Nguyễn Thị Lành, ở thôn Phước Thiện 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước búc xúc nói: "Tình trạng doanh nghiệp chặn dòng khai thác cát dưới sông Dinh (đoạn qua xã Phước Sơn) diễn ra trong thời gian dài như Công ty TNHH Việt Trung, nhưng ngành chức năng lại thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Hệ lụy là bờ sông bị sạt lở ngày một nghiêm trọng. Nhiều gốc táo của gia đình trồng đang trong giai đoạn cho quả bị vùi xuống sông, một số gốc bám lơ lửng chờ nước cuốn đi".
Trước bức xúc của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã đến thực địa, kiểm tra và chỉ đạo chính quyền địa phương, ngành chức năng khẩn trương có biện pháp khắc phục sạt lở ban đầu. Đồng thời, vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm thi công.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã tiến hành họp dân, vận động 27 hộ có đất dọc bờ sông Dinh hiến hơn 4 ha để thực hiện xây dựng công trình kè chống sạt lở và được người dân rất đồng thuận. Trong thời gian chờ xây dựng kè, giải pháp được xem là hữu hiệu nhất mà UBND xã Phước Sơn thực hiện đó là cắm biển báo tại các điểm sạt lở ven sông để cảnh báo, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để tránh xảy ra thiệt hại tài sản của nhà nước, của nhân dân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị với Chính phủ triển khai xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Dinh bằng nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiên tai khẩn cấp do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Kiến nghị của UBND tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, đồng ý các danh mục công trình đối với gói hỗ trợ, khắc phục thiên tai cho 4 tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Ninh Thuận. UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các thủ tục thực hiện thi công.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay, hiện nay hồ sơ liên quan đến dự án đã được Ban quản lý chuẩn bị hoàn chỉnh, nhưng cái khó hiện nay là vốn đầu tư.
Để sớm có nguồn vốn, cuối tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước ký hiệp định với Ngân hàng Thế giới. Dù vậy phải qua ba tháng ký, hiệp định mới có hiệu lực, do đó UBND tỉnh cũng như Ban quản lý dự án cũng đang rất trông chờ, sẵn sàng bước vào thi công công trình xây dựng kè chống sạt lở nếu như nguồn vốn hỗ trợ đến kịp thời.