Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, ngành Khí tượng Thủy văn nói chung và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói riêng cần tiếp tục nâng cao công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, trong đó có việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo bão
Trong cuối tháng 7/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ phải giãn cách xã hội. Nhiều cán bộ khí tượng thủy văn đã không đến được trụ sở cơ quan làm việc. Để thực hiện được nhiệm vụ, phải ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc quan trắc mực nước, mưa lớn… Nhờ chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo của ngành đã được triển khai sớm, các đơn vị thực hiện giãn cách tại các địa phương khu vực Nam Bộ vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo.
Minh chứng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Quang Năng chia sẻ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phát triển về công nghệ dự báo trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với các lĩnh vực quan trắc, công nghệ tính toán, công nghệ dự báo… việc ứng dụng này giúp cho chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được nâng lên, đảm bảo độ tin cậy, sát thực tế. Từ đó giảm thiểu được rủi ro thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ mới 4.0 như: mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác (IoT), tập dữ liệu có khối lượng lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI),… để thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành các hệ thống thông minh hóa, tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, công việc.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết, trí tuệ nhân tạo đã và đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tiết kiệm sức lao động, hạn chế được một số sai sót của con người. Khí tượng Thủy văn là một trong những ngành ứng dụng công nghệ thông tin khá lớn trong các hoạt động liên quan đến chuyên môn của mình và gần đây là công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời triển khai các hướng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác nhau trong các bài toán cụ thể của ngành, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo bão, định lượng mưa lớn và dự báo nước dâng do bão.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định, ngành Tài nguyên và Môi trường là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2021 phê duyệt chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài nguyên và Môi trường.
Để triển khai, thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung, ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Bảo Trung cho rằng, lĩnh vực khí tượng thủy văn sẽ ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong công tác chuyên môn của ngành, ngày càng nâng cao hơn chất lượng công tác dự báo, cảnh báo đóng góp vào thành tích chung của ngành Tài nguyên và Môi trường trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết, ngành Khí tượng Thủy văn đã được Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các đề án, dự án hiện đại hóa và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trang thiết bị hiện đại và công nghệ mới bước đầu đã được đầu tư, ứng dụng. Các bản tin dự báo, cảnh báo về khí tượng và thủy văn đã có những thay đổi và nâng cao về nội dung và hình thức. Nhờ vậy, các hoạt động khí tượng thủy văn nói chung và công tác dự báo khí tượng thủy văn nói riêng đã đáp ứng được cơ bản những yêu cầu của việc phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngành cần có một nguồn số liệu lớn liên ngành (Big data) không chỉ về dữ liệu khí tượng thủy văn mà còn là các dữ liệu về địa chất, thảm phủ thực vật, xây dựng… Ngoài ra, ngành cần tích hợp thêm các dữ liệu viễn thám phân giải cao và thông tin phân tích từ các thiết bị bay, chụp từ trên cao đối với các khu vực có nguy cơ cao. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo rủi ro do sạt lở đất đang bước đầu được nghiên cứu và sẽ có nhiều khả quan ứng dụng khi có một nguồn dữ liệu đầy đủ.
Trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang tiếp tục đầu tư, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu, dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống trợ lý ảo khí tượng thủy văn nhằm tự động cung cấp các thông tin thời tiết cho người dùng; ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality), tương tác ảo trong việc thể hiện các thông tin khí tượng thủy văn…