Ngành Khí tượng Thủy văn nỗ lực thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển ngành

Chiều 24/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai công tác năm 2022 với 9 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, 54 Đài Khí tượng Thủy văn tại các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Nhân viên phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) tổng hợp số liệu, theo dõi, theo dõi diễn biến bão. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương những thành tích của Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đạt được trong năm 2021, mặc dù hoạt động của hai đơn vụ gặp nhiều khó khăn do bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thành tích này khẳng định sự tự động hóa (chuyển đổi số) của ngành Khí tượng Thủy văn hết sức đúng hướng, những hệ thống trang thiết bị đo đạc tự động, truyền tin tự động, xử lý số liệu tự động... đã giúp cho các công việc của ngành được thuận lợi hơn. Kết quả dự báo sát thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2021 được minh chứng là thiệt hại về người và tài sản đã giảm so với các năm trước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ngành Khí tượng Thủy văn triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Lê Công Thành phân tích, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển Việt Nam thành một nước đang phát triển và có thu nhập trung bình cao, ngành Khí tượng Thủy văn đặt mục tiêu đến 2030 là phải đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á. Đây là mục tiêu rất cao và đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành trong thời gian tới.

Thứ trưởng yêu cầu ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình dự báo, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm để tích hợp trong hệ thống dự báo quốc gia. 

Ngành phải duy trì được kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ vững sự chủ động trong các phương án, những tình huống phức tạp nhất với phương châm “sự an toàn của nhân dân là trên hết”. Ngành tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ, sát các diễn biến khí tượng thủy văn phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Phải kết nối các thông tin khí hậu, dự báo mùa, dự báo thời tiết với các hoạt động liên quan đến sản lượng điện gió, đưa hệ thống cảnh báo dông, sét để tránh được các thiệt hại, sự cố không đáng có đối với hệ thống lưới tải điện hay hệ thống truyền thông...”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng nêu rõ, trong nhiều năm nay, ngành đã tập trung nghiên cứu về các kịch bản biến đổi khí hậu, tuy nhiên tác động của biến đổi khí hậu chưa được nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt là vấn đề về kinh tế biến đổi khí hậu.

"Chúng ta phải trả lời được câu hỏi làm thế nào với chi phí hợp lý, rẻ nhất để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ thay mặt cho Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP-26 và đưa ra các giải pháp tăng cường thúc đẩy các hành động hướng tới mục tiêu Net zelo (phát thải ròng bằng “0”- không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển) vào năm 2050. Do vậy, bài toán cần phải giải quyết ở đây không những về mặt thời tiết, thủy văn, khí hậu, mà phải giải quyết cả các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong chuyển đổi số khí tượng thủy văn thì hệ thống dự báo số, quan trắc tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)... đóng vai trò quan trọng, nên ngành cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào công tác chuyên môn. Cùng với đó, ngành cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chủ động cung cấp thông tin và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân bằng các phương tiện đã áp dụng như Zalo, tin nhắn để đưa thông tin khí tượng thủy văn đến các ngành, các cấp, người dân, doanh nghiệp... một cách kịp thời, từ đó tránh được các thiệt hại.

Ngành Khí tượng Thủy văn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế được giao, thực hiện tốt vai trò Trung tâm hỗ trợ khu vực nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khí tượng thế giới.

Năm 2021, với bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Khí tượng Thủy văn đã bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 01, số 02 của Chính phủ, trình ban hành chính sách, pháp luật tháo gỡ các vướng mắc, phát huy nguồn lực khí tượng thủy văn phục vụ cho phát triển bền vững, phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, thể chế, chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn tiếp tục được hoàn thiện ở tầm chiến lược quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW đề cập toàn diện các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy định quan trọng về cấp độ ro thiên tai và truyền tin thiên tai, cùng hàng loạt các thông tư quy định kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn ở các góc độ tiếp cận khác nhau.

Ngành đã tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các hoạt động "Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn" theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngành thực hiện tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngành đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ. 

Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của ngành Khí tượng Thủy văn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2021, thực tế cho thấy, ngành Khí tượng Thủy văn còn nhiều khó khăn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều Đài, Trạm khí tượng thủy văn đã xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường làm việc. Tổng cục Khí tượng Thủy văn chưa có chức năng thanh tra nên trong công tác kiểm tra thi hành pháp luật lĩnh vực khí tượng thủy văn còn nhiều hạn chế, hiệu lực chưa cao...

Đối với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trong năm 2021, Viện đã triển khai đúng tiến độ các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ; ra thông báo và dự báo khí hậu đúng thời hạn... Viện đã đẩy mạnh công tác công bố kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus chuyên ngành Khí tượng Thủy văn; tham gia phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu; tích cực tham gia các nhóm công tác của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu.

Thắng Trung (TTXVN)
Phê duyệt chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030
Phê duyệt chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN