Quyết sách chiến lược
Căn hộ chung cư cao tầng nằm trên phố Láng Hạ (Hà Nội) là nơi vợ chồng Đại tá Nguyễn Quý cùng phu nhân sống điền viên tuổi già. Ông năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Gia tài của ông trong cuộc đời binh nghiệp mà ông trân trọng gìn giữ như “báu vật” bây giờ là cuốn hồi ký và những album ảnh ghi lại những năm tháng đi xây dựng DK1.
Đại tá Nguyễn Quý là một trong những người đầu tiên may mắn chứng kiến khá tường tận, đầy đủ về thời gian đầu xây dựng nhà giàn DK1. Ông là một người con của Hà Nội, đi theo cách mạng rất sớm. Khi mới 13 tuổi ông đã làm giao liên và trực tiếp đánh Pháp ở Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về đơn vị pháo binh 2 năm. Sau đó, ông được cử đi học tại Đại học Bách Khoa từ năm 1960 - 1965. Tốt nghiệp Đại học, ông tiếp tục phục vụ trong Binh chủng Công binh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996.
Nhấp ngụm nước vối xanh mát, Đại tá Nguyễn Quý nhớ lại: Ngày đó (năm 1990) ông cùng đồng đội được phổ biến là “Tuyệt đối giữ bí mật, bất ngờ” nên đơn vị của ông cứ lặng lẽ làm không nói, không tuyên truyền khoa trương...
Nói về tầm nhìn chiến lược khi xây dựng công trình DK1, Đại tá Nguyễn Quý khẳng định: Công đầu phải kể đến Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Hải quân. Ngày đó Đô đốc đã chỉ đạo Lữ đoàn 171 khảo sát thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta và phát hiện có 6 bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9 - 50m. Phía Bắc là Phúc Tần (160km2), Huyền Trân (40km2), phía Đông Nam là Ba Kè (1.000km2), phía Tây Nam là Tư Chính (700km2), nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300km2) và Quế Đường (90km2).
Theo Đại tá Nguyễn Quý, vùng biển công trình DK1 rộng khoảng 80.000 km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, là tiền đồn phía Nam Trường Sa và nó án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông...
Ông Quý nhớ lại: "Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi "Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật". Sau đó, ngày 5/7/1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) có Chỉ thị số 180/CT về việc thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Trưởng ban.
“Tiếp đó, ngày 16/1/1989 Chính phủ có Quyết định yêu cầu: Khẩn trương, bí mật, khoán gọn, vừa thiết kế vừa thi công, vừa là hợp đồng kinh tế, vừa là lệnh của Nhà nước phải hoàn thành hợp đồng với bất cứ giá nào, hoàn thành tốt sẽ được khen thưởng thích đáng… Xây dựng xong trong Quý 3/1989 là ở Tư chính (DK1/1), ở Phúc Tần (DK1/3) và Ba Kè (DK1/4), quý 3/1990 là DK1/2...", Đại tá Nguyễn Quý kể lại.
Trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam; hành vi này xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Theo chỉ đạo, Ban quản lý công trình dầu khí Vũng Tầu làm phần chân đế theo phương án móng cọc, thi công trên biển DK1/1. Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí Bộ GTVT làm phần hạ tầng theo phương án trọng lực (Ponton), thi công trên biển DK1/3, DK1/4.
“Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Công binh và Tư lệnh Công binh giao cho tôi - Cục trưởng Cục Kỹ thuật làm Tổng chỉ huy các lực lượng thiết kế, sản xuất, thi công 4 thượng tầng và trang bi vũ khí, trang thiết bị theo biên chế. Chủ trì thiết kế là Viện kỹ thuật Công binh, sản xuất là Nhà máy X49”, người lính già Nguyễn Quý cho biết.
Phát huy truyền thống trách nhiệm, cần cù, sáng tạo trong hoàn cảnh vừa thiết kế, vừa sản xuất, vừa chỉnh sửa X49 lao động không kể ngày đêm hoàn thành một khối lượng khổng lồ hàng trăm tấn sắt thép "siêu trường, siêu trọng" với độ chính xác cao.
Những phát minh có tính lịch sử
Theo Đại tá Nguyễn Quý, kinh nghiệm làm nhà cao chân ở Trường Sa là phải lắp dựng thử, chỉnh sửa, tháo ra, đánh dấu, bó lại từng cấu kiện rồi chuyển lên tầu hỏa, đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh và xuống Bà Rịa - Vũng Tàu... Vậy đánh dấu thế nào để khỏi lẫn lộn và giữ được bí mật. “Trong một thoáng suy nghĩ tôi quyết định, ở Tư Chính là DK1/1, Phúc Nguyên là DK1/2, Phúc Tần là DK1/3 và Ba Kè là DK1/4... Không ngờ phiên hiệu DK1/1, DK1/2, nối nhau nay đến DK1/20, DK1/21 đã được khai sinh từ ngày ấy, trở thành tên gọi đến bây giờ và mãi mãi sau này...”, Đại tá Nguyên Quý cho biết.
Theo Đại tá Quý, để phối hợp với các chân đế, Chỉ huy lắp dựng thượng tầng DK1/1 và DK1/2 ở Bà Rịa - Vũng Tàu do đồng chí Lê Huy Huyễn và kỹ sư Trần Văn Bá cùng Phó Giám đốc X49 Cao Văn Minh thực hiện. Còn ở Tân Cảng Sài Gòn lắp dựng thượng tầng DK1/4 do kỹ sư Trần Anh Tuấn đảm nhiệm; lắp dựng DK1/3 do đơn vị D77 đảm nhiệm dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Mai Xuân Chiến.
“Tiếp đó, Viện Kỹ thuật Công binh cử TS Nguyễn Xuân Kiều cùng TS Phạm Ngọc Nam, kỹ sư Lê Trung Dũng vào giám sát thi công lắp dựng công trình... Việc thi công và lắp đặt hết sức gọn nhẹ. Góp phần làm lên thành côngcòn có công của đồng chí Nguyễn Thành Định, Nguyễn Gia Cát...”, ông Quý nhớ lại.
Trong trí nhớ của người lính Công binh năm xưa, ngày 1/6/1989 Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gọi ông đến để truyền lệnh: "Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã quyết định khẩn trương sớm đưa công trình ra biển lắp dựng. Được cả 3 thì tốt nếu không kịp thì 1 cái cũng được, đặc biệt ưu tiên ở Tư Chính. Tổng Bí thư gửi lời khen các cậu đấy!...". Như được tiếp thêm sức mạnh ông Quý và các kỹ sư lao vào làm 3 ca liên tục. Quần quật ngoài trời nhiệt độ 40 - 41 độ C, trên nắng, dưới nóng nhưng các quân nhân kỹ thuật Công binh vẫn hừng hực khí thế lao động quên mình.
“Và ngày ấy đã đến, DK1/3, rồi DK1/4 liên kết với chân đế. Ngày 9/6/1989, giờ G đã đến. Lệnh hành quân hướng ra Biển Đông xuất kích. DK1/3, DK1/4 từ Tân Cảng Sài Gòn; DK1/1 từ Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt được đưa ra biển dưới sự giám sát thi công của hai kỹ sư Lê Trung Dũng, Trần Văn Bá. Ba công trình DK1 đầu tiên trở thành 3 tiền đồn cắm mốc chủ quyền của Tổ quốc trên khu vực Tư Chính (ngày 4/7/1989) DK1/3 ở Phúc Tần và DK1/4 ở Ba Kè (ngày 14/6/1989) tạo thế chân kiềng trên 1 vùng biển rộng lớn của Tổ quốc...”, Đại tá Nguyễn Quý vui mừng kể lại.
Tại Hội nghị Tổng kết xây dựng công trình DK1 đợt đầu tiên tổ chức ngày 31/7/1989 đã đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các đơn vị hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Chính phủ giao cho. Từ thực tiễn thiết kế và thi công, Đại tá Nguyễn Quý cho rằng để công trình bền vững trước sóng gió, ngoài việc cung cấp số liệu khí tượng hải văn chính xác, cần có sự khảo sát diện mạo mặt bằng đáy biển nơi dự kiến xây dựng công trình để chọn vị trí thuận lợi nhất, tiến hành khoan địa chất để thiết kế chân đế và cọc cho phù hợp.
Thời điểm đó, ta đã lắp dựng được 3 công trình nhưng từ thực tế đã bộc lộ chân đế có nguy cơ không trụ vững nên cần có phương án gia cố, gia cường. "Hiểu về biển có lẽ không ai bằng lực lượng Hải quân, nhất là Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. DK1 do Hải quân quản lý, cán bộ chiến sĩ Hải quân trấn giữ nên tôi đã đề nghị bổ sung Tư lệnh Hải quân vào Ban Chỉ đạo DK1...", ông Quý nhớ lại.
Khi thi công các công trình trên biển, ông Quý được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cử làm Tổng chỉ huy các lực lượng thi công và bảo vệ công trình. “Khi hoàn thành công trình làm lễ thượng cờ tôi có trách nhiệm thay mặt Nhà nước động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ quản lý công trình, bảo vệ vùng trời, vùng biển theo quy định...”, ông Quý cho biết.
Với Đại tá Nguyễn Quý, từ khi tham gia làm các công trình cho Trường Sa rồi DK1 (từ DK1/1 đến DK1/16) liên tục những năm 1988 đến 1996 việc xây dựng mỗi công trình là một trận chiến, mỗi năm là một chiến dịch, đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng rất đỗi vinh quang và tự hào.