Lịch sử đã cho thấy, từ bao đời nay, các thế hệ con dân nước Việt đã đổ biết bao công sức, máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, quân và dân cả nước vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên các vùng biển, đảo với tinh thần coi trọng bảo vệ môi trường hòa bình.
Từ thời chiến đến thời bình, vì biển bảo thân yêu của Tổ quốc này, đã có không ít chiến sỹ sẵn sàng hy sinh, đổ máu đỏ để giữ lấy biển xanh quê hương; trong đó, có lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) anh hùng.
Theo Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, rạng sáng ngày 14/3/1988, kẻ địch thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Phía địch nổ súng bắn vào bộ đội ta. Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của tầu địch đã xảy ra. Trong cuộc chiến đấu đó, nhiều tấm gương tiêu biểu sáng ngời bản lĩnh, ý chí, khí phách của bộ đội HQNDVN càng được khẳng định và tỏa sáng.
Đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn công binh 83 Hải quân, những tập thể kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm ngoan cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Đó là anh hùng, liệt sĩ - Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ - Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604; anh hùng liệt sĩ - Trung úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.
Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, Trung úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Các anh đã hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ trên đá Gạc Ma trước quân xâm lược, tạo thành "Vòng tròn bất tử".
Và còn rất nhiều những tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày nay, mỗi chuyến tàu ra đảo, khi đi qua vùng biển Gạc Ma, không con dân Việt Nam nào không rưng rưng nước mắt khi dâng nén hương thơm tưởng niệm anh linh những cán bộ, chiến sĩ hải quân ưu tú, những người con kiên trung của dân tộc đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
10 năm sau sự kiện Gạc Ma, ngày 12/12/1998, cơn bão số 8 (có tên quốc tế là Faith) quét qua vùng biển khu vực nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Nhận lệnh báo động từ sở chỉ huy, tất cả các nhà giàn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đối phó với sóng gió và tình trạng rung lắc mạnh của các nhà giàn, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ. Cùng lúc đó, tất cả tàu hải quân có mặt ở khu vực được lệnh nhanh chóng về Côn Đảo tránh bão. Hệ thống thông tin của sở chỉ huy Quân chủng, Lữ đoàn 171, tất cả các tàu, nhà giàn đều cùng một kênh liên lạc theo quy định. Mặt biển bãi đá cạn Phúc Nguyên trở nên mịt mù, gió rít từng cơn, sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa.
Lúc 3 giờ 30 phút, một cơn sóng lớn tràn qua máy phát điện bị đổ, đèn phụt tắt, nhà giàn rung lắc mạnh. Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ Sở chỉ huy, Đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao!”. Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính nhà giàn DK1 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng. Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa, lúc đó là khoảng 3 giờ 50 phút ngày 13/12/1998. Đại úy Vũ Quang Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước. Trong giờ phút sinh tử ấy Vũ Quang Chương vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng.
Nhà giàn đổ, điều không mong muốn đã xảy ra. Trong phong ba bão tố, sóng biển dữ dội đã cướp đi sinh mạng của anh Vũ Quang Chương và 2 đồng đội là nhân viên cơ điện Nguyễn Hữu An và nhân viên ra đa Lê Đức Hồng. Sáu anh em còn lại, vật lộn với sóng biển suốt 14 tiếng trên biển và đã được đồng đội cứu sống và được đưa lên tàu HQ 606 lúc 18 giờ 54 phút ngày 13/12/1998.
Trước khi hòa mình vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, chiến sĩ Nguyễn Hữu An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt với tâm sự trước lúc ra đi: "Em chết thì có gì đâu, chỉ thương vợ em mới đẻ, em chưa biết mặt con”, còn chiến sĩ Lê Đức Hồng mang theo hình bóng lá thư viết chưa gửi và lời hẹn ước của người vợ sắp cưới xuống đáy biển sâu.
Và rồi còn biết bao tấm gương anh dũng của Thuyền phó, Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, Chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Chiến sĩ Hồ Văn Hiền... những người đã vì đồng đội thân yêu, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình, tự nguyện đi vào vùng bão tố để cứu vớt các chiến sĩ nhà giàn bị nạn, không một chút đắn đo. Các anh đã nằm lại giữa biển khơi để cho đồng đội được sống.
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Phát huy truyền thống Anh hùng của HQNDVN, Quân chủng luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào. Nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần. Phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao. Luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu. Không ngừng nâng cao trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có.
Việt Nam là quốc gia nằm trong bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á. Bờ biển Việt Nam chiếm tới 35% chu vi biển Đông với hàng nghìn đảo lớn nhỏ. Trong đó có hai quần đảo san hô lớn và có vị trí chiến lược quan trọng là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này đã được các tư liệu lịch sử của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới khẳng định.
Các học giả Việt Nam, trong đó có cả học giả người Việt ở hải ngoại và nhiều học giả quốc tế đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều nguồn tư liệu đã được sưu tầm, khảo cứu và công bố như các nguồn tư liệu, thư tịch hán Nôm cổ của Việt Nam và Trung Quốc; nguồn tư liệu khảo sát thực địa; nguồn tư liệu cùng khá nhiều bản đồ của phương Tây chủ yếu của các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… Trong đó nguồn tư liệu được các nhà nghiên cứu đặc biệt đánh giá cao về độ chân xác, tính pháp lý chặt chẽ đó là tài liệu lưu trữ.
Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, triều Nguyễn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thống nhất, mở mang bờ cõi, xác lập chủ quyền lãnh thổ, chống lại các cuộc xâm lược của lân bang, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Rất nhiều những tư liệu lịch sử, những văn bản hành chính đã thể hiện cụ thể và rõ ràng việc xác định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ thời xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn chủ trương mềm dẻo nhưng vẫn kiên định bảo vệ chủ quyền biên cương, bờ cõi. Tháng 4 năm Quý Tị (1473) vua Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.
Câu nói trên giống như một tuyên ngôn đanh thép về chủ quyền, độc lập dân tộc. Uyển chuyển để giữ thế ứng xử trong ngoại giao, nhưng cứng rắn là để giữ từng tấc đất, từng thước núi của cha ông.
Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được miêu tả cụ thể trong tài liệu Mộc bản triều Nguyễn khắc sách “Đại Nam nhất thống chí” chép như sau: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa, liền cát với biển làm thành trì… Đảo Hoàng Sa ở phía đông đảo Lý (Cù Lao Ré). Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3 đến 4 ngày đêm có thể đến nơi, trên đảo quần tụ rất nhiều núi, có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi “Vạn Lý Trường Sa”(Bãi cát dài vạn dặm), trên đảo có giếng nước ngọt, suối chảy, chim biển quần tụ…”.
Do vậy, vị trí địa lý của đảo Hoàng Sa đã được xác định cụ thể nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ngãi, nếu xuất phát từ cửa biển Sa Kỳ đi ra đảo sẽ mất khoảng 3 đến 4 ngày đêm là tới nơi.
Đội Hoàng Sa được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn là sự sáng tạo độc đáo của phương thức xác lập và thực thi chủ quyền của nước nhà đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với 70 người lấy dân xã Vĩnh An, một vùng quê biển giàu truyền thống và kinh nghiệm chinh phục biển khơi sung vào, tháng 2 hàng năm đi thuyền ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hóa vật và sản vật, hải vật quý ngoài hải đảo về dâng nạp vào tháng 8, hoạt động này đã trở thành thông lệ hàng năm.
Thông qua các nguồn tài liệu, tư liệu lịch sử có thể thấy rõ việc xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền của các nhà nước Việt Nam xuyên suốt qua nhiều thế kỷ đối với biển và hải đảo của Việt Nam nói chung và Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng là không thể phủ nhận.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Chính vì vậy, Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương của phía Trung Quốc và bất cứ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo chính là quá trình thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên các đảo, vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của Nhà nước với các hoạt động kinh tế- xã hội, các hoạt động trên biển, đảo nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động đó trong trật tự, theo đúng quy định của Nhà nước.
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của Chính phủ khẳng định: Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển, trong các quyền, có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
Bởi vậy, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không quốc gia nào có quyền trịnh thượng “yêu cầu” Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Phát ngôn này phải chăng là nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, để rồi áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh”, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Bãi Tư Chính có vị trí cận kề với đường hàng hải quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam sẽ hoàn toàn bình thường, ổn định, nếu không bị các hành vi xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình.
Từng trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, luôn thiện chí và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế bằng các giải pháp chính trị.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trên cơ sở đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Từ trung tuần tháng 7/2019 đến nay, trước việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông (trong đó có khu vực bãi Tư Chính) trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng động quốc tế và mong muốn các quốc gia khác thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok (Thái Lan), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN đóng góp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như trao đổi thương mại, đầu tư, kết nối, phát triển tiểu vùng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế số, hợp tác biển, an ninh mạng, du lịch…
Về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có việc tiếp diễn các hoạt động quân sự hóa và các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Là quốc gia yêu chuộng hòa bình, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực luôn có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan trên tinh thần thượng tôn pháp luật trên các vùng biển, đảo và đại dương.
Với tinh thần yêu nước, tôn trọng độc lập chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã luôn luôn thể hiện ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biên cương, bờ cõi.
Kế thừa truyền thống của cha ông, mọi con dân nước Việt yêu chuộng hòa bình sẽ không tiếc máu xương, xả thân để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền quốc gia của Tổ quốc, đúng với tinh thần của “Bản tuyên ngôn đầu tiên” của đất nước, như lời hịch của Thái úy Lý Thường Kiệt:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Bài: Nguyễn Viết Tôn
09/08/2019 05:21