Tại trường THCS An Dương, nhiều người đã quen với vóc dáng nhỏ bé nhưng thoăn thoắt và quả quyết trong từng bước chân của một phụ nữ lớn tuổi. Bà giáo già Hồ Hương Nam có phong thái của một vị hiệu trưởng đầy ắp những quyết sách trong đầu hơn là một bà giáo tiểu học về hưu đã gần tuổi cửu thập.

Bà giáo Hồ Hương Nam sinh năm 1933, nguyên là giáo viên của trường THCS Hoàng Hoa Thám. Theo lời kể của người phụ nữ gốc Huế này, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, bà theo chồng ra Hà Nội sinh sống. Đến năm 1979 về hưu, bà vẫn tham gia các hoạt động xã hội của phường như công tác dân số, khuyến học, kế hoạch hóa gia đình... Từ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bà đã gặp nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật không được học hành, không có điều kiện theo học trường dành cho trẻ khuyết tật. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định mở lớp để dạy chữ cho những số phận thiếu may mắn.

Bà Nam tâm sự: “Là giáo viên tiểu học 25 năm về địa phương làm công tác xã hội, thấy các cháu tàn tật không được đi học, hỏi không biết thưa, lòng tôi rất đau xót. Là một nhà giáo, lại là người mẹ, người bà, để cho các cháu thất học là mình có tội với các cháu”.

Đều đặn 5 buổi mỗi tuần trong suốt 21 năm, bà giáo già Hồ Hương Nam đi bộ cả cây số đến lớp tình thương để dạy học.

Cái tâm với những học sinh khuyết tật khiến bà quyết tâm mở một lớp học tình thương để dạy chữ, dạy đạo làm người cho các em. “Thời gian đầu đi vận động từng nhà cho các cháu theo học, tôi bị xua đuổi nhiều lắm. Nhiều người không hiểu, lại mặc cảm cho rằng tôi khơi lại nỗi đau. Có người bảo tôi lẩm cẩm, lo chuyện bao đồng. Bởi vậy, những buổi học đầu tiên chỉ có hai cháu theo học, nhưng dần dần số lượng tăng lên, có thời gian lên tới gần hai chục cháu”, bà Nam tâm sự.

Có học sinh, được 3 người con đồng lòng ủng hộ, bà giáo tận tâm lại đi liên hệ mượn phòng học. Ban đầu, bà mượn tạm được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi mở lớp dạy. Lớp học được tổ chức chưa đầy 2 năm thì cô trò phải trả lại đất để xây dựng nhà văn hóa phường. Thấy khu vực nhà trẻ gần đấy có một phòng còn trống, bà lại dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu cho các cháu vào học tạm. Khi ấy lớp đã có 6 học sinh.

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn này, bà giáo 86 tuổi ngấn lệ. Chính bà đã huy động cha mẹ học sinh lót từng tấm ván để các con ngồi tại lớp học tạm. Nhưng cũng chỉ được 3 năm, trường Tiểu học An Dương lấy lại khu phòng học này để mở lớp bán trú đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của học sinh trong trường. Lớp học tình thương đứng trước nguy cơ “đứt gánh giữa đường”.

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ tìm nơi dạy học, bà Nam lên tận Phòng Giáo dục quận Tây Hồ để xin nơi dạy học. Bà kể, đến bây giờ bà vẫn không quên được cô hiệu trưởng trường THCS An Dương khi ấy, người đã đồng cảm và đồng tâm với bà khi nhận các cháu về trường để mở lớp năm 2002. Mắt bà long lanh khi nhớ lại những ngày khó khăn để đến được hành trình hôm nay: “Tôi biết ơn những người đã đón bà cháu tôi từ mô đất trống về trường.”

Giai đoạn THCS An Dương chuyển đến cơ sở mới năm 2014. Với sự hỗ trợ của quận Tây Hồ, lớp học tình thương tiếp tục được bố trí 2 phòng học ngay trước lễ khai giảng. Các cháu đã có một lớp học khang trang với đầy đủ bàn ghế, quạt mát... ngay tại trường. Một lớp học đủ để đón đưa bà cháu bà giáo già, đón đưa những đứa trẻ khuyết tật phần nào thấy mình được hòa nhập trong môi trường giáo dục chung, để gia đình các em thỏa nỗi lòng mỗi ngày “đưa con đến trường”.

Sau hơn 21 năm theo lớp, giữ trò, câu chuyện về lớp học tình thương của bà giáo Nam đã trở thành câu chuyện thần kỳ dành cho người khuyết tật.

Bà tâm niệm mình không thể làm ngơ trước việc những đứa trẻ có tương lai trở thành người mù chữ nên bà luôn kiên trì mục tiêu. Một lớp học hoàn toàn miễn phí cho những đứa trẻ mà tương lai trước mắt là vô vàn khó khăn được mở ra.

Tấm lưng còng vẫn miệt mài giảng bài dù bao khó khăn, vất vả.

Ý định tốt đẹp là thế nhưng những ngày đầu mở lớp với bà Nam chẳng hề dễ dàng. Bà tâm sự: Thời gian đầu, khi tôi thu nhận được hai cháu, phụ huynh ra điều kiện rõ ràng, nếu sau một tháng con họ không tiến bộ thì việc dạy của tôi bị dừng. Rõ ràng, khi ấy, không ai lại đủ tin tưởng rằng những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ lại có thể học đọc, học viết. Một tháng trôi qua thật nhanh, nhưng “những đứa trẻ của bà giáo Nam” tiến bộ mỗi ngày. Từ biết thưa, biết chào hỏi khi về nhà, dần dần, các em đã biết đọc chữ O, chữ A. Lúc này, các gia đình lại xin bà giáo cho con em theo học tiếp.

Bà giáo bắt đầu thao thức tìm phương pháp dạy sao cho khoa học và phù hợp với từng học sinh đặc biệt. Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật lại còn khó hơn. Mỗi em lại có một trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm. Vì thế lớp học chẳng cần bảng đen, phấn trắng. Mỗi con chữ là mỗi lần tấm lưng bà còng xuống, tay cầm lấy tay mà uốn nắn, chỉ bảo. Bà kể, nhanh là nửa tháng mà có em chậm là tới 3 tháng mới nhớ được chữ A, viết tròn trịa chữ O. “Giáo án” cũng vì thế mà linh động theo từng học trò.

Bà giáo có dáng người ngày càng nhỏ bé, mái tóc ngày một bạc phơ vẫn cặm cụi cầm tay một học sinh khuyết tật để luyện từng nét chữ. Góc này là em Dương (sinh năm 1981) bị liệt tứ chi và là học sinh nhiều tuổi nhất lớp đã vào lớp học này 18 năm nay. Kia là em Thúy (sinh năm 1990) bị liệt nửa người, học trò lâu năm nhất của bà từ ngày đầu mở lớp. Một lát sau, Phương Anh (sinh năm 2005) bị câm điếc lại ra dấu tay cùng bà để diễn tả ý mình muốn nói.

Học nào phải thứ gì cao xa, những điều bà dạy đơn giản là gần gũi như cách đếm số, cách biết gọi ông gọi bà, cách phân biệt màu sắc. Tưởng đơn giản thế mà cứ cặm cụi mỗi ngày “cày sâu cuốc bẫm” của bà, của cháu, thấm thoắt cả năm trời cháu mới nhớ nổi cách viết chữ "ông". Bởi thế, cả bà và gia đình vô vàn xúc động khi các con bày tỏ niềm vui với điều đơn giản như con đã biết tính tiền.

Cô lớp trưởng gắn bó với lớp lâu nhất Đỗ Kim Thúy kể, em sống với bà ở phường Yên Phụ, được một cô cán bộ phường giới thiệu để theo học lớp từ những ngày  đầu. Từ đó, em gắn bó với lớp đến nay, mưa gió cũng đi để bà dạy cho biết nhiều chữ. Thúy chia sẻ giản dị từng câu: “Em đến lớp rất vui. Bà dạy em cách tính tiền”.

Vâng chỉ giản dị thế thôi nhưng với các em là cả một quá trình phấn đấu học tập. Mỗi phép tính đều có những đóng góp trong cuộc sống ngoài đời của các em, bởi biết tính, biết đọc, là các em đã có thể từng chút một lo cho cuộc sống của mình khi không có người thân bên cạnh.

Tất cả đều cần bàn tay bà uốn nắn mỗi ngày. Cứ thế, từng em học sinh trong lớp lần lượt được bà chỉ dạy từng ly từng tí. Người thì bà dạy viết chữ, người thì bà giao làm bài tập từ dễ đến khó. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi nút thắt mà chỉ có tấm lòng bà giáo già mới có thể gỡ bỏ.

Chấm bài mỗi ngày để thấy các con tiến bộ.

Gọi là những đứa trẻ nhưng đến nay, các em đều đã lớn. Có em lớn nhất đã ngoài tuổi 30. Bởi vậy, chỉ 2 em thôi đã ngồi chật cả một bàn dài. Ngồi ngắm bà dạy các em học, những cái đầu ngọ nguậy, xoay dọc xoay ngang, chốc chốc lại chực đứng dậy ra về mới thấy hết nỗi cực nhọc của bà giáo già trước những người lớn mà tâm trí chỉ như trẻ con ấy..

Để dạy cho học sinh câm điếc, bà Nam đã phải lặn lội sang một trung tâm ở quận Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Buổi tối về nhà, bà dành thời gian đọc và nghiên cứu sách về tâm lý của trẻ tự kỷ, khuyết tật...

Nay lớp đông, bà chia nhóm để dạy. Các em khuyết tật ngồi bàn trên cùng, tự kỷ bàn thứ hai rồi đến học trò bị down và thiểu năng trí tuệ, các em bị vấn đề vận động được xếp ngồi cuối cùng.

Ở tuổi 86, bà giáo già vừa tham gia các hoạt động xã hội vừa ngày ngày đứng lớp dạy học cho những đứa trẻ đặc biệt.

Người chở đò thầm nhủ, các con có được sự chia sẻ, cảm giác mình không bị cô lập với thế giới này đã là một thành công lớn nhất đời dạy học cho trẻ khuyết tật của bà.

Sau nhiều năm, các học trò của bà - những người học trò tưởng như chẳng bao giờ tốt nghiệp - đã có người mở được gian hàng riêng, có người nghỉ học lấy chồng ổn định cuộc sống. Người chở đò, người dạy em cách làm người chỉ cần như vậy là nở nụ cười mãn nguyện.

Trong ngôi nhà nhỏ của bà giáo già nằm lọt thỏm trong con ngõ ở phố An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi nào cũng thấy sách vở, ảnh học trò. Lối sống giản dị của nhà giáo già ấy đi vào từng nét bút, vở học sinh. Trên bàn làm việc của bà, chiếc máy đo huyết áp nằm lặng một chỗ cùng những kỷ niệm chương. Này điểm 6, điểm 8, từng điểm số được bà giáo già ngồi cặm cụi chấm bài cho những đứa trẻ học nhiều năm chỉ để biết tên mình.

Trang vở vụng dại của những đứa trẻ "học nhiều năm mới biết viết tên mình".

Lớp học một tay bà vận động để được từ mô đất trống đến cơ hội được “cắm lớp” tại trường THCS An Dương. Trong lòng bà, bà luôn biết ơn những người đã chấp nhận “cưu mang” lớp học bé nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, ân tình ấy. Với bà, ngần ấy góp sức là đã đủ. Mọi việc lo toan cho lớp, bà gần như dành chọn phần lương hưu để lo đủ sách vở, giấy bút cho các em. Phòng học cũng do bà tự tay trang trí.

Ngoài chuyện giấy bút, những đứa trẻ khuyết tật cũng cần có những động viên thật đặc biệt. Để những học sinh hay sợ sệt, mặc cảm được mạnh mẽ, vững vàng, yêu lớp, yêu trường hơn, cứ đến thứ Sáu hàng tuần, bà Nam trích một khoản lương hưu của mình mua bánh mỳ, bim bim, kẹo, thưởng cho các em. Hôm chúng tôi đến, bà mua bánh mỳ, là bánh mỳ không thôi nhưng bánh vừa kịp rời tay bà giáo, các cậu con trai đã cầm lên ăn ồn ào, khiến tôi chẳng còn kịp chụp hình, quay phim cho ra cái phần bánh bà tặng.

Giờ đây, không chỉ người dân ở trong phường An Dương gửi con em khuyết tật đến học chỗ bà mà những gia đình khó khăn ở phường Nhật Tân, Phú Thượng, phường Xuân Đỉnh hay quận Hai Bà Trưng cũng đưa con cháu đến xin học. Tính đến nay, bà Nam đã dạy học cho gần 100 em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

18 năm đẩy xe lăn đưa, đón con đi học với mong muốn con được hòa nhập cộng đồng, ông Lưu Văn Ba (An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ) xúc động nói về bà giáo già đã giúp con biết đọc, biết viết: “Cách đây khoảng 20 năm bà Nam đến vận động các gia đình đưa con đến học ở lớp học tình thương. Lớp học hoàn toàn không yêu cầu đóng góp gì lại được bà dạy biết con chữ, làm Toán nên tôi thử đưa cháu đến học. Từ một người liệt toàn thân, cháu đã có thể viết rõ ràng, đọc được báo hay tính những con tính đơn giản. Ra lớp như thế này là rất khó, phải là người nhiệt tình mới theo các con và nỗ lực vì các con được. Chính vì thế tôi luôn thấy cảm ơn bà giáo Nam”.

Ông Ba chia sẻ thêm, con trai ông là học sinh cao tuổi nhất tại lớp này, anh sinh năm 1981, hoàn cảnh vất vả nhưng vì sự học, vì niềm vui đến lớp bà Nam nên ông vẫn cố gắng đưa anh đến lớp dù vất vả, nắng mưa hay sức khỏe của chính ông ngày một giảm sút.

Mỗi chiều thứ sáu, bà cháu lại vui với tiết... chia quà.

Ghi nhận những đóng góp của bà cho cộng đồng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2014), Thành phố Hà Nội đã vinh danh bà là “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2015, bà vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Những bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật, kỷ niệm chương của Hội khuyến học... nay treo chật bức tường trong gian phòng nhỏ của bà.

Số bằng khen, giấy khen bà Nam nhận được nay treo chật bức tường trong gian phòng nhỏ của bà.

Nhưng có lẽ không ghi nhận nào hạnh phúc bằng những nụ cười học trò. Bà cười: “Tôi làm có phải vì thành tích đâu, ghi nhận nào bằng việc các em biết thêm những điều hay, đạo tốt. Bao nhiêu năm tôi đứng lớp là vì tiếng cười của những học trò kém may mắn. Nụ cười của các em là phần thưởng cao quý nhất đối với tôi”.

Đau đáu về tương lai của lớp học tình thương, bà Nam ngậm ngùi trước lúc chia tay: con đường của tôi đến giờ phút này là còn ngắn quá rồi nên cứ nhìn đến các cháu tôi lại thấy thương. Không biết rồi đây những mảnh đời bất hạnh có còn được tiếp tục nâng đỡ như tôi đã từng nâng đỡ các cháu không. Suy nghĩ như vậy nhưng tôi luôn tin là sẽ có người tiếp bước giúp tôi công việc này. Tôi cũng mong xã hội cũng liên tục sự quan tâm đến các cháu để việc học của các cháu không bị gián đoạn".

Lại một mùa 20/11 nữa lại đến. Người gieo những hạt mầm cho đời hẳn mong các học trò lại quây quần bên bà, để nghe được từng bước trưởng thành trong cuộc sống, để nghe được những tiếng cười giòn, để nghe được thậm chí là một vài câu bập bẹ, chiếc thiệp mừng phải khó khăn lắm các em mới viết được ra. Nào ai cần hoa, cần quà. Bà bảo thế vì còn dạy các em là bà biết mình đang được “SỐNG”: “Ấy là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Bài:  Lê Sơn
Ảnh, video: Minh Đăng - Minh Tuệ
Trình bày: Lê Sơn

16/11/2018 02:52